Dê nhầm nhà, gà đi lạc: "Cái gì cũng ăn được của dân"

Dương Tùng Thứ năm, ngày 02/04/2015 16:36 PM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, chuyện "dê nhầm nhà, gà đi lạc" gây thói quen rất xấu "cái gì cũng ăn được của dân".
Bình luận 0
Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến chuyện cán bộ xã lấy 1.200 con gà giống chia nhau để nuôi thay vì đem phát cho 6 hộ dân nuôi thí điểm theo mô hình giảm nghèo bền vững tại xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

img
Ảnh minh họa.
Trước đó, đầu năm 2015, báo chí nêu sự việc 12 con dê cấp cho dân nghèo “đi nhầm” về trang trại của ông Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Giới truyền thông gọi hai vụ việc trên là “dê nhầm nhà, gà đi lạc”.

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện “dê nhầm nhà, gà đi lạc” rất tiếc không phải là chuyện cá biệt. Lâu nay, dư luận và người dân nhiều nơi vẫn phản ánh chuyện cán bộ ăn chặn của người nghèo.

Theo bà An, chính sách xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Một trong những yêu cầu của chủ trương là tiền phải đến tay người dân. Tuy nhiên, qua việc “con gà, con dê” cho thấy, yêu cầu trên đã không làm được.

Chuyện "con gà, con dê" tưởng là nhỏ, nhưng đó chính là phương tiện sinh sống cứu rất nhiều gia đình nghèo để họ duy trì cuộc sống, cho con cái đi học...

“Là cán bộ, không cho dân thì thôi, lại lấy của người nghèo là có tội lớn, không phải chuyện nhỏ, cần xử lý thích đáng”, đại biểu Bùi Thị An bày tỏ.

Đại biểu An cũng cho rằng, những chuyện ăn chặn như vậy gây thói quen rất xấu, “cái gì cũng ăn được của dân”, như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng nói “ăn của dân không từ cái gì”.

Theo bà An, qua sự việc trên cho thấy, phẩm chất, chất lượng cán bộ có vấn đề. Bên cạnh đó, cấp quản lý cao hơn chưa thực hiện giám sát đầy đủ, do vậy dẫn đến chuyện lúc báo chí đưa tin, dân kêu lãnh đạo địa phương mới biết.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, không nên coi những chuyện tiêu cực trên là “tham nhũng vặt”. Đây là những hành vi ăn chặn của người dân, nhất là người nghèo, là điều “đáng xấu hổ” cho những người nhân danh là cán bộ.

“Đây là hành vi tham nhũng. Cái nhỏ còn ăn của dân, vậy thì cái lớn thế nào?”, ông Hùng nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, theo kinh nghiệm phòng chống tham nhũng, thông thường trong phòng chống tham nhũng có 3 giải pháp: Hệ thống pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng; hình phạt thích đáng để không dám tham nhũng và làm cách nào để họ không muốn tham nhũng.

Với các trường hợp “dê nhầm nhà, gà đi lạc” trên, ông Hùng cho rằng nên có cách xử lý thích đáng, vừa đủ sức răn đe, vừa để cán bộ sau này không muốn tái phạm.

“Đồng thời, các cấp lãnh đạo phải lo đến đời sống và giáo dục phẩm chất để cán bộ không còn tiêu cực kiểu ấy nữa”, ông Hùng nói.
Ngày 31.3, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc hỗ trợ gà không đúng đối tượng tại xã Quế An, huyện Quế Sơn.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị kiểm điểm tập thể UBND xã Quế An và các cá nhân có liên quan; đồng thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kiểm điểm trách nhiệm thành viên là cơ quan trường trực (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Sơn) và thành viên phụ trách xã Quế An thuộc Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện và xã.

Trước đó, 12 con dê cấp cho dân nghèo “lạc thẳng” về trang trại của ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa), dù chắc chắn chả có Bí thư nào nghèo. Sau khi sự việc được phanh phui, ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành đã “khắc phục” bằng cách chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của mình trao lại cho 3 hộ nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem