Khi nuôi cá trong ao, hồ, bà con ta thường nuôi với công thức: Mè, trôi, trắm, chép. Công thức ấy tuy đã cũ nhưng nhiều nơi vẫn áp dụng.
Mặt khác, ngay các giống đó cũng có những thay đổi. Riêng đối với con chép, rất nhiều nơi đã đưa giống chép V1 vào nuôi.
Cá chép V1 là loài do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I tạo ra. Nó được lai tạo giữa 3 giống là: Cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy của Hungary và cá chép vàng của Indonesia. Như vậy, loài cá này có tới 3 loại máu.
Cá chép V1 có ngoại hình khác với cá chép của ta một chút: Thân của nó cao và bầu hơn, vẩy sáng ánh vàng, đầu thuôn và cân đối. Chúng có tốc độ lớn gấp đôi so với cá chép địa phương và có thịt thơm, ngon hơn.
Cá chép nói chung thường sống và kiếm ăn ở tầng đáy. Nó thích nghi rộng và có thể sống ở mọi địa hình: Ao, hồ, sông, ruộng. Nó là loại ăn tạp nhưng thiên về thức ăn động vật. Khi bà con ta nuôi, cá thường được cho ăn bằng cám, bã, ngô, sắn... Chất lượng thức ăn quyết định tốc độ lớn của cá.
Cá chép V1 lớn nhanh. Nuôi chúng trong ao, sau 1 năm có thể đạt từ 0,3-0,8kg/con. Nếu nuôi 2 năm, cá có thể đạt từ 1-1,5kg/con. Nuôi lâu hơn, cá có thể đạt tới 3-4kg/con.
Rất nhiều nơi, bà con đưa cá chép vào nuôi ngay ở ruộng cùng với các loại cá khác. Tuy nhiên, nếu nuôi cá ruộng, ta nên liên kết để khu ruộng nuôi có diện tích tương đối lớn. Xung quanh khu ruộng, ta đào mương (sâu 1,5m và rộng 3m).
Việc mua cá giống rất quan trọng. Tốt nhất, ta nên đến tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I để mua. Tuy nhiên, các cơ sở lớn hoặc các đơn vị thủy sản ở huyện, ở tỉnh đều có thể chủ động tạo giống để cấp cho địa phương.
Khu nuôi vỗ cá bố mẹ cần rộng, chỗ nuôi cá cái cần rộng 500-2.000m2, chỗ nuôi cá đực nên từ 400-1.000m2. Mực nước phải từ 1,2-1,5m. Đáy có lớp bùn dày 0,15-0,2m, bờ ao không bị rò rỉ, pH từ 6,5-8,0.
Ta bắt cá bố, mẹ có độ tuổi từ 2-6 tuổi, với cỡ cá nhỏ nhất phải là: Cá cái 1kg/con và cá đực là 0,7kg/con để đưa vào nuôi. Mật độ từ 10-15kg cá giống/100m2. Hàng tuần phải cung cấp đủ thức ăn cho chúng. Gần tới ngày đẻ, ta cho chúng ăn thêm thóc mầm. Ta vớt cá để đưa sang ao nước sạch cho nó đẻ. Có thể cho đẻ tự nhiên hoặc đẻ nhân tạo. Nếu cho đẻ tự nhiên, ta phải thả bèo lục bình hoặc giăng dây để làm giá thể cho trứng bám vào. Sau đó, đưa trứng sang bể ấp. Nếu cho đẻ nhân tạo thì phải tiêm kích dục tố rồi vuốt lấy trứng, lấy tinh và cho chúng thụ tinh. Sau đó cũng đưa đi ấp. Chỉ 3-5 ngày là trứng sẽ nở hết. Ta nuôi cá bột khoảng 45-50 ngày là được cá giống.
Cá chép V1 tùy thuộc vào mật độ nuôi mà cho trọng lượng cá thể khác nhau. Năng suất cá chép V1 có thể đạt tới 2 tấn/ha.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com (Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.