Để quyền lực nhân dân phát huy từ phiên chất vấn nghị trường
Để quyền lực của nhân dân ngày càng phát huy qua các phiên chất vấn nghị trường
Lương Kết (thực hiện)
Thứ hai, ngày 30/11/2020 13:00 PM (GMT+7)
“Ở nước ta, các phiên chất vấn đều được phát thành và truyền hình trực tiếp nên giải trình cho các vị đại biểu Quốc hội cũng chính là giải trình với dân”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Để kết thúc loạt bài Đột phá trong hoạt động chất vấn, dấu ấn nghị trường khóa XIV, phóng viên Dân Việt có trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để cùng nhìn nhận, đánh giá về những đổi mới trong hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng như đưa ra những góp ý để hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả hơn.
Thưa ông, theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông thấy có những dấu ấn gì?
- Dấu ấn dễ nhận thấy nhất là tính tranh luận được tăng cường. Trong nhiệm kỳ này, nhiều quy định về thủ tục đã giúp cho việc tranh luận xảy ra dễ dàng hơn. Ví dụ, để chất vấn thì đại biểu sẽ đăng ký qua hệ thống điện tử, nhưng để tranh luận thì đại biểu lại có thể giờ biển số. Chủ tọa điều hành phiên họp sẽ nhận biết ngay đại biểu nào muốn chất vấn, còn đại biểu nào thì muốn tranh luận trở lại. Các quy định chặt chẽ hơn về thời gian chất vấn, cũng như thời gian tranh luận cũng làm cho việc chất vấn và tranh luận tập trung hơn, đúng trọng tâm của vấn đề hơn.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, 2 lần Quốc hội chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành (giữa nhiệm kỳ và gần cuối nhiệm kỳ - còn gọi là chất vấn tổng thể), đây là một trong những đổi mới quan trọng trong giám sát việc thực hiện "lời hứa" của người đứng đầu, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng đây là một đổi mới rất đáng ghi nhận. Với đổi mới này, tất cả các thành viên của Chính phủ đều phải chuẩn bị sẵn sàng để trả lời chất vấn. Mà như vậy, thì trách nhiệm của người đứng đầu cũng được nâng cao. Bởi vì rằng đã làm bộ trưởng, làm người đứng đầu thì bao giờ anh cũng phải rất sâu sát, phải nắm được công việc. Chất vấn theo chuyên đề hoặc cụm chuyên đề, thì đương nhiên, những bộ trưởng không liên quan sẽ thực chất là được "nghỉ ngơi" trong một kỳ chất vấn như vậy. Kinh nghiệm của nghị viện thế giới vẫn là đã chất vấn ở hội trường thì không có việc khoanh vùng các chủ đề trước. Các thành viên chính phủ luôn luôn phải sẵn sàng để trả lời, vì các nghị sĩ có thể chất vấn bất kỳ ai.
Việc giám sát những lời hứa cũng là một nét mới. Tuy nhiên, chất vấn là để bảo đảm trách nhiệm giải trình, hơn là để giám sát lời hứa. Bởi vì rằng có nhiều lời hứa không thể thực hiện ngay được vì chúng gắn với việc thay đổi chính sách, pháp luật và đòi hỏi phải có thời gian.
Một trong những đổi mới nữa là cách thức chất vấn từ hỏi 2 phút sang hỏi 1 phút, trả lời 5 phút sang trả lời 3 phút, theo ông sự đổi mới về mặt thời gian như vậy mang lại sự tích cực thế nào?
- Tôi thấy đổi mới này tạo ra tính tương tác tốt hơn. Tương tác tốt hơn thì làm cho phiên chất vấn cũng hấp dẫn hơn đối với công chúng. Việc rút ngắn thời gian cũng bắt buộc các vị đại biểu, cũng như các vị bộ trưởng phải nắm bắt các vấn đề tốt hơn. Càng nắm bắt các vấn đề tốt, càng diễn đạt sáng tỏ và ngắn ngọn. Tất nhiên, kỹ năng diễn đạt vấn đề sáng tỏ, ngắn gọn cũng cần phải có thời gian mới phát triển được. Áp lực về thời gian có vẻ cũng làm cho không ít đại biểu lúng túng. Có vị đại biểu phát biểu hết thời gian rối mà vẫn chưa kịp nêu ra được câu hỏi chất vấn.
Có ý kiến cho rằng, quyền lực của nhân dân thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng thể hiện rõ nét hơn, ông nghĩ sao?
- Tôi thấy ý kiến đó cũng có lý. Trước hết, chất vấn chính là việc các đại biểu của dân nêu câu hỏi để các quan chức nhà nước phải giải trình. Giải trình cho các vị đại biểu Quốc hội chính là giải trình với những người đại diện cho dân. Ở nước ta, các phiên chất vấn đều được phát thành và truyền hình trực tiếp nên giải trình cho các vị đại biểu Quốc hội cũng chính là giải trình với dân.
Nói về quyền lực của nhân dân, việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn cũng giúp cho người dân giám sát các vị đại biểu của mình. Đây cũng là cơ hội để người dân nhận xét, đánh giá về các vị đại biểu. Các vị đại biểu đã chất vấn đúng các vấn đề mà cử tri quan tâm chưa? Các vị có thực sự nắm chắc các vấn đề đó không?
Thưa ông, là người nhiều năm công tác ở Văn phòng Quốc hội cũng như nghiên cứu về hoạt động của Quốc hội, theo ông để chất vấn của Quốc hội ngày càng sôi nổi, sinh động, làm bật được những vấn đề nóng của xã hội, hoạt động này cần tiếp tục đổi mới thế nào?
- Tôi thấy kinh nghiệm của nghị viện các nước trên thế giới có thể tham khảo. Quy trình, thủ tục liên quan đến chất vấn nên được tổng kết kinh nghiệm và ban hành chính thức cho cả nhiệm kỳ. Việc thay đổi quy trình, thủ tục thường xuyên có thể gây ra những khó khăn cho cả các thành viên Chính phủ, lẫn các vị đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, ở nghị viện các nước, mỗi tuần có một phiên chất vấn. Nên chăng trong kỳ họp Quốc hội, Quốc hội nước ta cũng nên tổ chức mỗi tuần một phiên chất vấn. Làm được như thế này, kỳ họp sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn. Hoạt động chất vấn kéo dài nhiều ngày có thể gây khó cho cả các vị bộ trưởng lẫn các vị đại biểu. Ngoài ra, quá nhiều vấn đề được đưa ra chất vấn sẽ khó tập trung được sự chú ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.