Đê tả Bùi bị đe dọa nghiêm trọng, Hà Nội chủ động phương án di dời dân

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 31/07/2018 00:12 AM (GMT+7)
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho rằng: trong trường hợp xấu nhất, không giữ được đê tả Bùi, Hà Nội đã chuẩn bị thông báo cho khu vực liên quan qua hệ thống phóng thanh, truyền hình để người dân biết chuẩn bị di dời đến nơi cao hơn. 
Bình luận 0

Dự báo, mực nước sông Bùi (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dâng cao, đe dọa sự an toàn của đê tả Bùi. Thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hộ đê và chuẩn bị tình huống di dân.

Tối 30.7, trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho hay, thời điểm này các lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành triển khai các biện pháp khắc phục, tăng sức chịu đựng của đê Tả Bùi.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, trưa 30.7, mực nước ở sông Bùi đoạn Yên Duyệt là 7,52 m nhưng đến 16h mực nước giảm đi khoảng 7cm còn 7,45m.  

img

Đê tả Bùi, xã Thanh Bình (Chương Mỹ) đã vượt mức báo động 3. Ảnh: Nguyễn Chương

Tuy nhiên, theo thông báo từ Trung tâm khí tượng, đêm nay tại khu vực Bắc bộ, mà cụ thể là Hòa Bình sẽ có thể có mưa và rất to, có thể từ 50-100mm. Do đó, lượng nước sẽ đổ dồn về nước sông Bùi và trên báo động 3 khoảng 1m. 

Ông Thịnh cũng cho biết, chiều 30.7 đã có văn bản báo cáo với Thành ủy và Ủy ban TP.Hà Nội.

"Chiều 30.7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã trực tiếp chỉ đạo tại Chương Mỹ. Hiện nay, các lực lượng chức năng, vật tư, thiết bị đang được huy động được đắp chống tràn nếu nước tiếp tục tăng lên khoảng 50cm nữa thì khu vực này sẽ hết sức căng thẳng" - ông Thịnh nói và cho biết, địa phương vừa tiếp nhận 10.000 bao tải, giao cho lực lượng công an, huy động dân quân tự vệ và người dân khẩn trương đắp đê, tiếp tục tôn cao để đảm bảo chống tràn.

Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho rằng: trong trường hợp xấu nhất, không giữ được đê tả Bùi, Hà Nội đã chuẩn bị thông báo cho khu vực liên quan qua hệ thống phóng thanh, truyền hình để người dân biết chuẩn bị di dời đến nơi cao hơn. 

Thời điểm này, công tác an ninh trật tự đang được lực lượng công an, quân đội chỉ đạo triển khai. Hiện các lực lượng đang được túc trực 24/24.

Đáng lưu ý, ông Thinh thông tin: “Nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ vào toàn bộ huyện Chương Mỹ và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành. Các tuyến giao thông ra phía Tây sẽ bị chia cắt rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là phương án không giữ được đê tả Bùi”.

img

Hiện nay, ông tác an ninh trật tự đang được lực lượng công an, quân đội chỉ đạo triển khai. Hiện các lực lượng đang được túc trực 24/24. Ảnh: Nguyễn Chương

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện mực nước sông Bùi đang lên nhanh. Lúc 11 giờ hôm nay (30.7), mực nước sông Bùi tại Lâm Sơn (Hòa Bình) lên 21,37m (trên báo động 1 là 0,37m).

Dự báo, từ đêm nay đến sáng mai (31.7), khu vực Hòa Bình sẽ có mưa to trở lại, lượng mưa phổ biến 50-100mm. Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Bùi tại Lâm Sơn sẽ lên 21,5m (trên BĐ1: 0,5m); trong 12-24 giờ tới sẽ lên 23,5m, vượt trên BĐ3 tới 0,5m.

Theo đó, nhiều khả năng, mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ lên trên mức BĐ3 khoảng 1 mét vào sáng 31.7.

Những khu vực trũng thuộc các huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình), đặc biệt là các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trước tình trạng trên, trên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương nói trên theo dõi sát thông tin mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, úng, nhà không an toàn để chủ động sơ tán dân.

Các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.

Bố trí lực kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò…để hướng dẫn người, phương tiên qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định của các phương tiện khi hoạt động.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông về thông tin mưa lũ để chủ động đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, công trình.

Ngoài ra, các địa phương rà soát chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… sẵn sàng cho các tình huống mưa lũ, ngập lụt kéo dài nhiều ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem