Để tăng trưởng có chất lượng...

Thứ bảy, ngày 23/10/2010 23:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước khi gia nhập WTO, xét về văn bản giấy tờ, Việt Nam là “số 1 thế giới”. Chúng ta có từ nghị quyết, nghị định, quyết định đến các chính sách kinh tế, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn...
Bình luận 0

Từng lĩnh vực trọng điểm hội nhập, Ban chỉ đạo nào cũng có và thành lập vô cùng sớm. Nhưng đi vào thực hiện thì có những việc chúng ta làm hoài không xong.

Thứ nhất, về nội tại: Nền công nghiệp hỗ trợ đến nay sau mấy chục năm đổi mới rồi hội nhập vẫn là con số không, đây là điều không thể chấp nhận được! Trong khi đó, điều tối quan trọng của nền kinh tế tăng trưởng, là phải tổ chức cơ cấu lại nền sản xuất, chuyển từ gia công sang sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đáng ra việc đó phải làm ngay trước khi nước ta gia nhập WTO. Nhưng chúng ta cứ bình chân như vại, bây giờ lại kêu ca rằng “nhập siêu” quá mức, đặc biệt là nhập siêu nông sản! Nông sản hay các sản phẩm của chúng ta chỉ sản xuất thô, xuất thô vì thiếu công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp chế biến… Chúng ta buộc phải nhập cái tốt hơn từ bên ngoài, đó là bình thường và thua thiệt cũng là tất yếu!

Thứ hai, về ngoại lực: Vốn FDI đang đổ vào Việt Nam rất mạnh, nhưng thực chất đầu tư không hiệu quả. Nhất là sau khi T.Ư thực hiện phân cấp cho địa phương, đầu tư FDI có biểu hiện tràn lan. Có 2 điều kiện kèm theo sự phân cấp mà Chính phủ chưa quan tâm tới: Cần ban hành những quy định cực kỳ cụ thể trong thu hút đầu tư FDI và hệ thống công cụ kiểm tra – giám sát đảm bảo đầu tư đúng những quy định đó. Hiện các doanh nghiệp khu vực FDI đang xảy ra tình trạng “chuyển giá”; dẫn đến hơn 50% doanh nghiệp FDI khai lỗ hoặc làm ăn không có lời… Trên thế giới, nhiều nước cũng thu hút FDI như chúng ta, với quan điểm “hy sinh thị trường để đổi lấy công nghệ”. Nhưng chúng ta có quá nhiều ngành quan trọng đã mất hẳn thị trường rồi, mà vẫn không có được công nghệ (!). Ví dụ cụ thể là ngành ô tô, điện tử...

Thứ ba, về kết cấu tăng trưởng: Mô hình “cơ cấu kinh tế cấp tỉnh” đang bất ổn và là vật cản của sự phát triển. Nhiều tỉnh - thành hiện nay, nền hành chính có cơ cấu rất lạc hậu, không phục vụ gì đến “cơ cấu kinh tế thị trường” của khu vực hay cả nước. Vì cơ cấu cũ kỹ như vậy, họ bắt buộc phải lấy đất nông nghiệp của nông dân để làm công nghiệp, dịch vụ… để đạt mục tiêu tăng trưởng (!). Mà cứ làm như vậy, vài năm nữa chúng ta sẽ không giữ được đất sản xuất, người dân không thể sống và làm giàu bằng nông nghiệp… Như vậy thì phát triển nhưng không thể nào ổn định được!

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, lần đầu tiên Chính phủ thay đổi quan điểm khi trình Kế hoạch KT-XH năm 2011. Trong đó, nhiệm vụ “ổn định kinh tế vĩ mô”, được đưa lên hàng đầu và xác định là cơ sở, điều kiện để phát triển, thay vì cứ chăm chăm mục tiêu tăng trưởng như các năm trước. Đó là một quan điểm đúng đắn. Vì nếu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở 7%... thì chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo mức tăng trưởng ở 7-8%, không có gì khó khăn. Về mặt định lượng, với sức mạnh và vị thế của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng 7 hay 8% cũng đồng nghĩa với 7 – 8 tỷ USD.

Và đó mới là tăng trưởng có chất lượng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem