Đề thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Văn của một tỉnh khiến nhiều người không hiểu gì

Tào Nga Thứ hai, ngày 27/09/2021 10:46 AM (GMT+7)
Đưa ra 2 hình ảnh, đề thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn khiến nhiều người hứng thú nhưng cũng không ít người thốt lên: "May quá, mình không thi học sinh giỏi".
Bình luận 0

Mới đây, tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Hội đồng thi thuộc Sở GDĐT Thái Nguyên đã tổ chức kỳ thi tuyển chọn đội tuyển đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021-2022. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn đang gây chú ý.

Theo đó, trong đề thi có thời gian 180 phút và gây ấn tượng với câu 1 (8 điểm) như sau: "Theo gợi ý từ bức ảnh trên, anh/chị hãy trình bày cách giải quyết vấn đề của mình". Gợi ý trong đề thi là hình ảnh của 2 chiếc đồng hồ.

Đề thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn khiến nhiều người "rối não" không hiểu gì - Ảnh 1.

Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn ở Thái Nguyên. Ảnh: Diệu Thu

Nhiều học sinh cảm thấy hứng thú với đề thi này bởi từ 2 hình ảnh đồng hồ trên gợi cho các em nhiều ý tưởng như "Nếu có thể quay ngược thời gian thì bạn sẽ sửa chữa sai lầm hoặc làm gì đầu tiên?", "Nếu còn sống được 4 giờ, bạn sẽ làm gì?", "Mọi vấn đề nên giải quyết đúng lúc, đúng thời điểm, không nên trì trệ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sau hoặc ý khác là dù có bất kỳ ai lay chuyển ta vẫn luôn giữ vững lập trường", "Mỗi con người đều có 24 giờ đồng hồ để sống và làm việc...".

Tuy nhiên cũng có người thừa nhận "bó tay" vì "Khó quá, sau khi đọc không hiểu đề muốn nói điều gì", "May quá, mình không thi học sinh giỏi".

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội nhận xét: "Đề thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Thái Nguyên với phần nghị luận xã hội khá độc đáo, có điểm mới, đề mở và có nhiều "đất" để học sinh viết.

Học sinh không chỉ đọc đề mà phải quan sát đề (bức tranh) mới có thể hiểu được vấn đề luận bàn: Nêu lên quan điểm về sự đúng giờ. Các em cần quan sát tinh tế nhìn nhận ra ngay sự khác biệt giữa quan điểm về thời gian ở hai bức tranh: đúng giờ tuyệt đối và đúng giờ có tính xê dịch.

Biết quý trọng thời gian và có cách ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh, từng nền văn hóa để không làm ảnh hưởng đến thời gian của người khác là điều không chỉ có ý nghĩa với trước đây mà ngay cả hiện tại. Và đề thi đã giúp các em thực hiện được trọn vẹn sứ mệnh đó, trở thành người lan tỏa với những thông điệp quý giá về thời gian.

Đề thi cũng đạt được ý đồ của người ra đề: Khuyến khích các em yêu văn học, tìm hiểu văn hóa của nhiều vùng miền để có cách lập luận tốt trong bài làm. Để làm đề này, nếu học sinh không đọc nhiều sách, vốn từ ít, nhận thức hạn hẹp sẽ khó có thể nêu bật được vấn đề luận bàn. Ngược lại, những học trò thực sự có vốn hiểu biết sâu sắc sẽ phân tích, chọn lọc dẫn chứng phù hợp, tạo ra sự tranh luận ngay trong bài làm nhằm tạo điểm nhấn. Nghĩa là đề thi có tính phân loại cao, phù hợp để chọn học sinh giỏi".

Đề thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn khiến nhiều người "rối não" không hiểu gì - Ảnh 2.

Các thí sinh trước giờ làm bài thi. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Quang Lập, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Thái Nguyên cho biết: "Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia vừa qua tại Thái Nguyên có 247 thí sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia ở các môn. Trong đó, môn Ngữ Văn, học sinh đạt điểm cao nhất là 15/20 điểm. Sở sẽ chọn 10 học sinh tham gia đội tuyển".

Kỳ thi tuyển chọn năm nay có trên 10% thí sinh là học sinh đang học lớp 11, còn lại là học sinh lớp 12. Thí sinh làm bài thi các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học trong thời gian 180 phút.

Ông Lập cho biết, hiện tại bài thi đã được chấm xong và dự kiến kết quả kỳ thi tuyển chọn được công bố trong tháng 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem