PGS.TS. Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN).
|
Dân Việt xin được đăng tải nguyên văn phần phân tích của PGS.TS Vũ Quang Hiển về 2 câu hỏi đang gây tranh cãi trong đề thi này.
Câu 2 "Trình bày quá trình sụp đổ của triều Lê sơ và sự thành lập nhà Mạc. Nguyên nhân nào dẫn đến đất nước bị chia cắt thành Bắc triều và Nam triều, Đàng Ngoài và Đàng Trong?":
- Vế 1 của câu hỏi không yêu cầu trình bày những chính sách của Triều Mạc sau khi được thành lập, nhưng ý 2 trong đáp án lại viết: “triều Mạc thực hiện một số chính sách về kinh tế, chính trị và văn hoá nhằm ổn định trật tự xã hội, xây dựng chính quyền, tổ chức quân đội, giải quyết vấn đề ruộng đất và tổ chức thi cử để chọn quan lại”. Ý này không phù hợp với yêu cầu của câu hỏi.
- Trong sách giáo khoa không trình bày nguyên nhân của tình trạng chia cắt đất nước, nên vế 2 của câu hỏi cần phải xem là một câu hỏi mở, với yêu cầu học sinh phải tự rút ra nguyên nhân dẫn đến tình trang chia cắt đất nước. Câu hỏi mở thì đáp án cũng phải mở, và học sinh có thể đưa ra một trong những nguyên nhân như sau: 1- Do chế độ phong kiến lúc đó đã đi vào con đường suy vong…; 2- Do giai cấp địa chủ phong kiến không còn là đại diện cho quyền lợi của dân tộc, trở thành những thế lực chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước…; 3- Do ảnh hưởng của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phân tán lên tư duy chính trị…
Tuy nhiên, đáp án dẫn ra 3 ý trình bày về tình trạng chia cắt, chứ chưa chỉ ra nguyên nhân chia cắt. Hơn thế, những “nguyên nhân” đã được dẫn ra là do tư duy chủ quan của người làm đáp án, chứ không phải tư duy chung của các nhà khoa học lịch sử.
(Hướng dẫn chấm sẽ hoàn toàn đúng khi viết theo hướng mở: Học sinh có thể rút ra một hoặc một số nguyên nhân dẫn đến tình trang chia cắt đất nước, nhưng phải sát với thực tiễn lịch sử lúc đó và phải diễn đạt mạch lạc).
Hạn chế trên đây theo tôi là do cán bộ làm đề và đáp án chưa có kinh nghiệm làm hướng dẫn chấm cho câu hỏi mở. Về nguyên tắc, câu hỏi mở thì đáp án cũng phải mở, không được làm đáp án thông thường.
Bản hướng dẫn chấm. Ảnh: Nguyễn Lục Gia
Câu 3. Vì sao nói thời kỳ chuyên chính dân chủ Gia-cô-banh là đỉnh cao của cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII?
Đáp án có ba ý, hai ý đầu đúng. Riêng ý thứ ba không ổn. Ý thứ ba viết: “Vì nội bộ chia rẽ, nhân dân lại không ủng hộ như trước (do phái Gia-cô-banh không đem lại đầy đủ quyền lợi cho họ như đã hứa), nên phái tư sản phản cách mạng đã tiến hành đảo chính bắt Rô-be-xpi-e và xử tử vào ngày 27-7-1794”.
Các chi tiết “nhân dân không ủng hộ như trước” và “phái tư sản phản cách mạng tiến hành đảo chính, bắt Rô-be-xpi-e”, thể hiện sự thất bại của nền chuyên chính Gia-cô-banh, chứ không phải là “đỉnh cao của cuộc cách mạng tư sản Pháp”. Đây là ý không đúng với yêu cầu của câu hỏi.
Kinh nghiệm rút ra từ đây là, cần bám sát yêu cầu của câu hỏi, không nên chép lại máy móc một đoạn có liên quan đến câu hỏi từ sách giáo khoa.
Ngoài ra, trong Hướng dẫn chấm không chia điểm cụ thể cho từng ý, mà để điểm chung của cả câu. Đây là một sơ suất không đáng có, vì sẽ dẫn đến tình trạng cán bộ chấm thi vận dụng cho điểm khác nhau, làm cho độ sai lệch về kết quả giữa các bài làm tăng lên.
Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần có tinh thần cầu thị, tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời; điều chỉnh đáp án và tổ chức chấm lại bài cho các em học sinh, không nên để học sinh của chúng ta phải chịu ấm ức khi thấy bài làm của mình khác với đáp án và chịu thiệt thòi về kết quả học tập.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.