Tối 31/3, Bộ GD-ĐT chính thức công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia 2021. Theo đó, có 7 đề thi minh họa được đăng tải trước là các môn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý.
>> Xem chi tiết Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2021 TẠI ĐÂY
Nhận xét của các thầy cô về đề thi minh họa THPT Quốc gia 2021
Thầy Mai Văn Túc (giáo viên Vật Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Hà Nội): Với hầu hết các học sinh, không cần đi học thêm cũng đạt tầm 8 điểm
Thầy Mai Văn Túc bày tỏ, với nội dung đề thi minh họa tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Vật lý này không nên dùng để xét tuyển ĐH: "Học sinh không cần phải đi học thêm bởi chỉ cần ở nhà học thuộc lòng lý thuyết cơ bản (chủ yếu nhớ các công thức) là làm được điểm cao. Và học sinh chỉ cần tập trung học trong thời gian ngắn là đạt được chứ không cần đến 3 năm. Gần như không có câu đánh giá về khả năng sáng tạo, không có liên hệ thực tế.
Đặc biệt, không có câu nào về kiến thức và kỹ năng thực hành (đề này có một câu nhưng cũng coi như không) nên hầu hết các giáo viên không dạy thực hành làm yếu chuyên môn giáo viên mảng quan trọng này, đồng thời các phòng thí nghiệm bị bỏ hoang gây rất nhiều tổn thất hữu hình và vô hình cho đất nước.
Hầu như chưa có kiến thức lớp 10, đề vẫn bỏ đi phần cực kỳ hay của Vật lý là thực hành, nhiệt học, cơ học chất lưu, dòng điện trong các môi trường. Đề thi tham khảo này tôi nghĩ cũng không khác gì các đề thi năm trước. Chất lượng vẫn rất thấp. Có 4 câu cuối để phân loại học sinh nhưng cũng chỉ nặng về tính toán".
Thầy Túc chia sẻ thêm: "Theo tôi, cả hệ thống giáo giục đang hiểu rất đơn giản về một bài thi, bài kiểm tra là chỉ để lấy điểm và tuyển sinh. Thực chất bài thi dù kỳ thi lớn hay nhỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách học và mục đích học".
Thầy Đỗ Ngọc Hà (giáo viên Vật lý tại một hệ thống giáo dục ở Hà Nội): Đề thi chính thức cần có sự phân hoá rõ ràng hơn
Đề thi tham khảo môn Vật Lý năm 2021 nhìn chung mức độ có khó hơn nhưng không đáng kể so với đề tham khảo năm 2020. Đề thi lần này vẫn gồm 40 câu và trong thời gian 50 phút. Tập trung chủ yếu kiến thức lớp 12, lớp 11 vẫn chiếm 10% như các năm gần đây. Nội dung đề thi hoàn toàn không ra vào những kiến thức giảm tải mà Bộ đã công bố trước đó.
Đề thi có 30 câu đầu ở mức độ Nhận biết - Thông hiểu (chiếm 75%) còn lại 10 câu Vận dụng - Vận dụng cao chiếm 25%. Các câu hỏi Vận dụng - Vận dụng cao tập trung chủ yếu ở học kì I lớp 12 (7 câu).
So với đề thi năm ngoái thì đề thi năm nay cấu trúc có thay đổi, năm ngoái nội dung đề thi lược bỏ hoàn toàn các câu hỏi Vận dụng - Vận dụng cao của học kì II lớp 12 nhưng năm nay các câu hỏi khó thuộc kiến thức học kì II lớp 12 đã xuất hiện trong đề thi. Đó là 1 trong những điểm lưu ý rất quan trọng cho thí sinh trong giai đoạn ôn thi sắp tới. Thêm vào đó, đề tham khảo năm nay tiếp tục xuất hiện câu hỏi về Thí nghiệm thực hành Vật lý (câu 31). Vì vậy thí sinh cần lưu ý ôn tập kiến thức về Thí nghiệm thực hành trong Vật lý phổ thông.
Với mức độ đề tham khảo như thế này thì học sinh dễ dàng có thể đạt được 7 điểm, học sinh khá - giỏi để đạt 8-9 điểm cũng không quá khó, điểm 10 sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, đề thi chỉ mang tính chất tham khảo vậy nên thí sinh dự thi không được chủ quan trong quá trình ôn luyện.
Theo tôi, với cấu trúc đề thi như đề tham khảo năm nay, phổ điểm sẽ vẫn cao tương đương như năm vừa rồi. Trong phương án tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT của các trường ĐH, CĐ vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Vậy nên trong đề thi chính thức cần có sự phân hoá rõ ràng hơn, hiện theo cấu trúc đề tham khảo vẫn chỉ có 25% câu hỏi để phân hoá thí sinh là khá ít, tỉ lệ đó có thể điều chỉnh tăng lên 30-35% mà vẫn đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ tốt để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh".
Thầy Nguyễn Chiến: Môn Toán sẽ có "cơn mưa" điểm 10
Theo thầy Nguyễn Chiến, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, chủ biên nhiều đầu sách luyện thi đại học, luyện thi học sinh giỏi, đề thi minh họa bám sát chương trình SGK, xếp từ dễ đến khó. 35 câu đầu khá đơn giản ở mức độ nhận biết thông hiểu, 15 câu sau có mức độ khó tăng dần, nhưng đa số là các dạng toán thường gặp.
Các câu hỏi bao quát chương trình, tránh học tủ. Toàn bộ nội dung chủ yếu lớp 12, phần kiến thức lớp 11 chỉ có 2 câu xác suất tổ hợp, 1 câu dãy số cấp số, 1 câu tính góc, khoảng cách. Các câu lớp 11 đều ở mức độ nhận biết, thông hiểu, hỏi bản chất nên khó dùng mẹo mực, ít sử dụng công thức giải nhanh.
Điểm mới so với các năm trước là đề sắp xếp mức độ từ dễ đến khó theo chương, sẽ thuận lợi cho học sinh làm bài và ôn tập. Đề không có câu khó đặc biệt và ý tưởng mới hẳn. Có một số câu hay như Câu 46 khá quen thuộc và hầu hết học sinh đã được luyện tập nhiều. Câu 47 tìm số giá trị nguyên thỏa mãn phương trình chứa mũ logarit...
"Nói chung là đề chưa có nhiều ý tưởng sáng tạo mới, độ khó cao hơn đề thi thật năm ngoái một chút nhưng câu vận dụng cao phân loại học sinh không khó bằng. Nếu thi đề này phổ điểm sẽ không khác gì 2017, sẽ có mưa điểm 10. Hi vọng đề chính thức sẽ nhiều câu hay và phân loại tốt hơn", thầy Chiến nhận định.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (tác giả sách Cùng con bước qua các kỳ thi): Thi Toán nên kết hợp cả trắc nghiệm lẫn tự luận
"Cá nhân tôi sau nhiềm năm theo dõi đề thi và tham khảo ý kiến nhiều thầy cô và chuyên gia giáo dục, tôi cho rằng, muốn đề thi phân hóa mà môn Toán lại thi hình thức trắc nghiệm là vô cùng khó.
Hình thức tự luận nếu không làm được câu nào học sinh sẽ bỏ trống còn trắc nghiệm không làm được các em vẫn đánh bừa đáp án. Vì vậy kết quả có thể có những em giỏi được điểm cao, những học sinh kém bị điểm thấp nhưng có những học sinh học kém và vẫn điểm cao là do hên xui, tích bừa đán án.
Nhiều giáo viên không đồng tình cách dạy học sinh thi trắc nghiệm môn Toán nhưng để thích nghi với đề thi nên phải dạy các em cách bấm máy tính như thế nào để ra kết quả nhanh nhất. Tất nhiên, loại đề nào cũng có ưu, nhược của nhưng chắc chắn đề trắc nghiệm như hiện nay không hoàn thành nhiệm vụ: Phân loại học sinh và phân luồng người học.
Theo tôi, thi Toán nên kết hợp cả trắc nghiệm lẫn tự luận mới đánh giá được đúng trình độ, tư duy của học sinh".
Cô Diệu Thu (giáo viên Ngữ văn, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị Hà Nội): Đề Văn không làm khó học sinh
Cô Diệu Thu nhận xét: "Đối với phần Đọc hiểu, đề yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu một đoạn thơ, 3 câu đầu tiên học sinh sẽ trả lời nhanh và không mấy khó khăn, mức độ của câu hỏi là: nhận biết, thông hiểu.
Sang câu thứ 4, đề yêu cầu học sinh tư duy kỹ hơn bởi mức độ đánh giá năng lực là vận dụng thấp: Nhận xét tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện ở đoạn trích. Ở câu này, học sinh chỉ cần nhận xét ngắn gọn là có thể đạt điểm tối đa.
Phần Nghị luận xã hội 200 chữ phù hợp để đánh giá tư duy và lập luận của thí sinh, ngoài ra câu hỏi đánh giá được thái độ, quan điểm, nhận thức của thí sinh trước vấn đề thực tiễn của đời sống. Câu hỏi có khả năng khuyến khích người học phát huy tốt năng lực sáng tạo.
Sang phần làm văn, nội dung giới hạn ở việc phân tích. Yêu cầu đưa ra phù hợp để đánh giá được các bậc nhận thức của học sinh: Nhớ, hiểu, vận dụng, khả năng phân tích… nội dung, nghệ thuật kiến thức tác phẩm văn học, đánh giá được khả năng lập luận của người học. Nhìn chung, đề minh họa không làm khó học sinh".
Giáo viên dạy Văn tại TP.HCM: Đề minh họa khá giống cấu trúc của đề thi Ngữ văn năm 2019
Một giáo viên dạy Văn ở TP.HCM cũng chung nhận xét đề vừa sức học sinh: "Đề thi có mức độ phân hoá khá cao, đặc biệt ở câu nghị luận văn học. Về cấu trúc đề thi minh hoạ năm nay cơ bản giữ nguyên như đề thi năm trước (khá giống với cấu trúc của đề thi Ngữ văn năm 2019). Phần Đọc hiểu, đề minh hoạ 2021 bám sát ma trận đề thi, với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Đặc biệt, ở câu hỏi số 4, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về tình cảm của tác giả đối với miền Trung. Đây là câu hỏi giúp học sinh phát huy được năng lực cảm thụ văn học cũng như hình thành và phát triển cho học sinh những tư tưởng, tình cảm nhân văn, trong sáng, cao đẹp. Phần Nghị luận xã hội, đề yêu cầu học sinh viết về "sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách". Đây là vấn đề phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất là đợt Covid-19 và lũ lụt miền Trung vừa qua...".
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ có 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Theo dự kiến thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tập trung làm thủ tục dự thi vào ngày 6/7. Vào 2 ngày 7 và 8/7 sẽ thi chính thức và thi dự phòng ngày 9/7.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.