Vậy mà nhiều năm nay, bỗng dưng sinh nhiều nghề lạ. Đầu tiên là làn sóng các cháu “chanh cốm” lên thành phố làm việc. Thành phố đây là Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, cũng có thể xa hơn, Hà Nội, Hải Phòng.
Hỏi làm chi, cũng phải ngập ngừng một lúc mới trả lời. Làm đầu, uốn tóc, thợ may! Tuyệt không ai nói mình đi ở thuê (tức làm ô- sin) và cái nghề đặc biệt hái ra tiền khác thì lại càng phải giấu biệt.
Rồi đến nghề lấy chồng Đài, chồng Hàn. Có bao chuyện hẩm hiu đau lòng, bao lời kêu van, kêu cứu được giải thoát khỏi động quỷ, hang ma, có cả bình tro hài cốt vượt biển về quê mẹ. Không ai nỡ trách móc đứa con gái hiếu thảo liều mình vào nơi gió bụi để báo hiếu cứu cả nhà.
Và mới đây nhất lại phát lộ nghề bán bụng, đẻ thuê ở xứ người. Người con gái miệt vườn miệt ruộng nết na hiếu thảo hoặc bị lừa hoặc tự nguyện sẵn sàng dấn thân vào những cái nghề quái dị chưa từng có trong nếp nghĩ nếp làm của một vùng đất chân quê.
Không ai còn muốn giữ lấy cái lề khi giấy đã rách. Cũng không ai trách cứ, lên án các em các cháu. Hơn thế nữa, người đi đã thế mà xem chừng người ở vẫn muốn dấn thân, sẵn sàng chịu mạo hiểm hên xui năm ăn năm thua và rất dễ bị lừa.
Phải chăng vì cuộc sống quê nhà dù cũng có điện, có trường, có trạm xá nhưng vẫn gay go, bế tắc? Nuôi cá bị treo ao, cấy sạ thóc rớt giá, mất mùa khổ mà trúng mùa cũng khổ.
Nạn tham nhũng về tận ấp, tạo ra một lớp chăn dân giàu có bất thường. Dân buôn bán từ thành phố, có cả những công ty, tập đoàn, chỉ chăm chăm lợi ích của chính mình, vươn vòi bạch tuộc về ấp xóm hút lợi nhuận. Cái kẽ nứt giàu nghèo qua nhiều năm đã thành những cái hố khó khỏa lấp.
Trai tráng trong ấp trong xã bay như đàn chim do hóng hót một cuộc đổi đời nơi xa, người ở lại thì niềm vui duy nhất là “gầy nhậu” thâu đêm suốt sáng. Còn lại những cái ấp, dòng kinh buồn với phận nghèo, phận đàn bà hẩm hiu không biết ngày nào dứt khỏi. “Nghề lạ” có đất sinh sôi là lẽ thường, lối thoát của nghèo đói và thất học!
Đừng trách ai giấy rách nhưng mà không giữ được cái lề. Nông thôn miền kinh rạch phì nhiêu đang rỗng mất cái hồn văn hóa đã từng có nền tảng từ ngày xưa do ông bà quả cảm vượt sông Tiền sông Hậu làm nên một vùng đất đặc sắc và lễ nghĩa. Cái đói văn hóa không ai nhìn thấy nhưng lại làm phá sản nhân phẩm và tạo ra những điều quái dị, nguồn gốc tất yếu của đói nghèo.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật của một vùng quê và nhanh chóng tìm câu trả lời cho những gì xảy ra về đạo đức và tinh thần đang làm mọi người sửng sốt.
Sông Thao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.