Để từ chức thành văn hóa của quan chức: Tiếng nói nghị trường (Kỳ 2)

Thành An Thứ bảy, ngày 02/11/2019 11:23 AM (GMT+7)
Phải chăng đã đến lúc xây dựng quy trình pháp lý để cán bộ viên chức có thể từ chức khi cần thiết? Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, liên quan đến việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín” sẽ được thực hiện ra sao?... Đây là những câu hỏi từng được đặt ra tại các phiên chất vấn tại Quốc hội.
Bình luận 0

img

 “Văn hóa từ chức” được các ĐBQH đề cập khá nhiều tại nghị trường những năm gần đây. (Ảnh: QH)

Thông điệp từ Chính phủ

Cách đây 3 năm, trong báo cáo của Bộ Nội vụ về việc thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 33 năm 2016 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng trình Chính phủ dự thảo nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Có thể nói năm 2016 là năm mà từ ngữ “văn hóa từ chức” được nói nhiều nhất tại nghị trường Quốc hội và trong dư luận nhân dân. Tại buổi chất vấn Thủ tướng tại Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc đã lại thêm một lần nữa nói lên tâm tư của mình về vấn đề văn hóa từ chức vào thời điểm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đã chín muồi khi Đảng có nghị quyết và quyết tâm của Thủ tướng xây dựng Chính phủ liêm chính.

“Bên cạnh việc chúng ta nghiêm khắc loại trừ những phần tử thoái hóa biến chất, đồng thời có nên tạo hành lang pháp lý để liêm chính, hạn chế năng lực có cơ hội được rời khỏi chức vụ trong danh dự? Thủ tướng có cho rằng, đã đến lúc cần thiết xây dựng quy trình pháp lý để viên chức có thể từ chức khi cần thiết không?”, ông Quốc đặt câu hỏi chất vấn.

Thời gian gần đây, vấn đề này đã được nhắc lại liên tục. Tại phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018, đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, liên quan đến việc “chủ động từ chức khi không còn uy tín”, sẽ được thực hiện ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho hay, từ chức là hình thức tự nguyện nếu như cán bộ được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín, hay vi phạm.

Đây là vấn đề mới và rất rộng, không chỉ trong Chính phủ, mà còn ở trong cơ quan Đảng, Quốc hội. Trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức. Do đó, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII, có quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì Chính phủ sẽ cụ thể hóa quy định của Đảng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị - xã hội.

Chưa có cơ chế nên khó từ chức?

Những ngày qua, sau phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ĐBQH Đặng Thuần Phong bày tỏ sự băn khoăn khi trong dự thảo luật này chưa có quy định về việc cán bộ muốn từ chức thì phải làm thế nào.

Theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, một công chức biết liêm sỉ, nếu trong luật chưa quy định thì quyền được từ chức không thực hiện được. “Cái trung thành của pháp luật là vậy, pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thế, công dân được làm cái pháp luật không cấm, cán bộ chỉ được làm những điều pháp luật quy định”, ông Phong lưu ý và cho rằng, nếu không quy định thì không ai có thể từ chức vì như thế là vi phạm.

“Giờ trong luật Cán bộ công chức không quy định cái đó (việc từ chức – PV) là quyền và trách nhiệm của công chức, thì mai mốt công chức từ chức là đi sai luật. Cho nên, ngay Luật này phải bổ sung quy định về từ chức”, đại biểu Phong nói.

img

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có quy định riêng về vấn đề từ chức.

Đây không phải là lần đầu tiên một vị ĐBQH đề xuất phải luật hóa việc cán bộ, công chức từ chức. Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dẫn ví dụ Nghị quyết T.Ư về nếu gương có nêu, cán bộ, đảng viên nhất là ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư nếu thấy mình sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức. “Thực tế từ khi ra đời đến nay, đặc biệt qua vụ gian lận về thi cử trầm trọng như vậy, nhưng có mấy ai xin từ chức đâu. Cho nên tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Đề cập đến vấn đề luật hóa việc từ chức - điều trước nay chưa từng có khả thi, đại biểu Đặng Thuần Phong thẳng thắn nhìn nhận: “Trước hết trong luật phải quy định, người có sĩ diện người ta muốn người ta làm. Còn khả thi hay không nó còn liên quan đến văn hóa, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ trong công sở với nhau.

Có những người tự ái, muốn nghỉ thật chứ. Có người có chức, làm việc đàng hoàng, đánh giá họ sai, họ tự ái là từ chức, người có liêm sỉ là người ta sẵn sàng như thế. Nhưng giờ không có cơ chế đó thì người ta lấy gì để làm?”.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu và khi góp ý về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức, Luật viên chức, ông đã đề cập về việc từ chức của cán bộ, công chức nhưng dự luật không có quy định đó.

“Cán bộ, công chức chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, không cho phép từ chức thì tại sao trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo lại đưa bổ sung là cho từ chức. Nếu không cho cán bộ công chức quyền được từ chức mà người ta viết đơn từ chức thì có nghĩa là vi phạm pháp luật. Hai luật này cùng một cơ quan soạn thảo (Bộ Nội vụ - PV) nhưng lại vênh điểm này. Tôi đề nghị chúng ta phải soi lại, nếu không đưa điều luật này ra thì xử lý cán bộ của chúng ta như thế nào”, Phó Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

Như vậy chủ trương đã rõ ràng, vấn đề quan trọng là làm sao để vấn đề "từ chức" trở thành tự nhiên, bình thường, ngoài việc nêu cao tinh thần gương mẫu, dám tự nguyện từ chức của cán bộ lãnh đạo cần có những quy định mang tính pháp lý để bắt buộc những người không tự giác vẫn phải từ chức.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem