Đề xuất 3 phương án tổ chức khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 03/10/2020 19:54 PM (GMT+7)
Các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý, vận hành các công trình thủy lợi; nảy sinh các mâu thuẫn giữa các địa phương về nhu cầu sử dụng nguồn nước (mặn, ngọt, lợ), thoát lũ, trữ lũ.
Bình luận 0

Những tồn tại này sẽ khó có thể được giải quyết nếu không có một tổ chức trung gian đủ thẩm quyền.

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi thảo luận đề xuất mô hình khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL tổ chức tại TP.HCM ngày 3/10.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (đứng) chủ trì buổi thảo luận. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Buổi thảo luận do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm tư vấn Quản lý Thủy Nông, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Theo báo cáo đề dẫn, mô hình tổ chức khai thác công trình thủy lợi ở các tỉnh ĐBSCL về căn bản chưa thống nhất. Hiện mới chỉ có 5/13 tỉnh có công ty quản lý thủy lợi phù hợp quy định của Luật Thủy lợi.

Các loại hình Chi cục, Trung tâm thực hiện khai thác công trình thủy lợi còn nhiều bất cập. Lực lượng cán bộ thủy lợi ở các địa phương lại mỏng, đặc biệt ở những tỉnh không có đơn vị chuyên trách.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL chủ yếu là cống và sông trục tự nhiên.

Tình trạng lấn chiếm lòng kênh, xả rác thải vào công trình thủy lợi còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng...

Việc thực hiện chuyển giao, phân cấp công trình cho các tổ chức thủy lợi cơ sở vẫn mang tính hình thức. Thực tế, còn nhiều công trình thủy lợi đến nay chưa có chủ thể quản lý.

Khác với những vùng khác trên cả nước, khoản chi hoạt động bộ máy của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi ở ĐBSCL có tỷ lệ thấp là 8,8%. Trong khi khoản chi bảo trì, mà chủ yếu là chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và nạo vét lại chiếm tỷ trọng rất lớn (trên 91,2%), cao nhất cả nước.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở ĐBSCL - Ảnh 3.

Vị trí cống Cái Lớn – Cái Bé. Ảnh IT.

Các bất cập tập trung vào 2 điểm lớn. Thứ nhất, công trình ở tỉnh này nhưng lại phục vụ chủ yếu cho tỉnh khác. Công trình trên địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện quản lý nên khó tránh khỏi lợi ích của địa phương, không điều hòa được nguồn nước ngọt, xả lũ hay ngăn mặn giữa các địa phương trong hệ thống.

Thứ hai là nhiều tuyến kênh trục, kênh cấp 1 là các kênh tưới tiêu, kết hợp giao thông thủy. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của ngành giao thông thủy và thủy lợi.

Trước đây, một số Hội đồng quản lý hệ thống đã được thành lập để quản lý, điều hành các hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên, Quản lộ-Phụng Hiệp, Đồng Tháp Mười nhưng đến cuối năm 2017 thì giải thể.

Vì thế, việc xây dựng, tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên tỉnh ở vùng ĐBSCL là cần thiết. Cũng do hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL có tính liên thông cao, việc đầu tư xây dựng hệ thống Cái Lớn-Cái Bé sẽ tác động đến các công trình hiện có trên phạm vi rộng lớn.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở ĐBSCL - Ảnh 4.

Sông Cái Lớn, nơi sẽ xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Ảnh: Chí Quốc

Việc đề xuất mô hình tổ chức khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL nhằm mục tiêu điều hòa lợi ích, giải quyết các mâu thuẫn về nhu cầu sử dụng nguồn nước; thoát lũ, trữ lũ. Phát huy năng lực ứng dụng kỹ thuật, đảm bảo nhu cầu cấp nước, nâng cao hiệu suất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và nhu cầu dân sinh khác.

Theo đó, có 3 phương án được đưa ra. Phương án 1 là thành lập công ty quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, trực thuộc Bộ NNPTNT quản lý, khai thác theo Luật thủy lợi.

Phương án 2 là thành lập chi nhánh trực thuộc công ty khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Dầu Tiếng – Phước Hòa để quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Phương án 3 là thành lập công ty khai thác CTTL Miền Nam trên cơ sở kiện toàn Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa, và mở rộng phạm vi quản lý các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL.

Còn nhiều bất cập trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở ĐBSCL - Ảnh 5.

Nhiếu ý kiến đồng thuận phương án 3, cần có công ty khai thác hệ thống thủy lợi cho toàn miền Nam, trực thuộc Bộ NNPTNT quản lý để giải quyết các tồn tại hiện nay

Trên cơ sở so sánh các ưu và khuyết điểm, đại diện Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 trực thuộc Bộ NNPTNT đề xuất mô hình tổ chức khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL theo Phương án 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đối với hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé thì việc vận hành là khâu quyết định. Phương án vận hành sẽ quyết định việc tổ chức bộ máy quản lý.

"Các chuyên gia, các viện nghiên cứu cần tiếp tục thảo luận tìm phương án giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn giữa thực tiễn và quy hoạch. Phương án cuối phải đảm bảo tính thống nhất cao trước khi đưa ra lấy ý kiến ở các địa phương", Thứ trưởng Hiệp chỉ đạo định hướng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem