Kỳ án gỗ trắc liên quan cựu tướng Phan Văn Vĩnh làm nóng nghị trường và hướng giải quyết thế nào?

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 23/08/2024 07:10 AM (GMT+7)
Kỳ án gỗ trắc kéo dài nhiều năm, được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị theo sát từ đầu và đã nhiều lần đăng đàn chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bình luận 0

Liên tiếp 2 ngày 21-22/8, trong phiên chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục đề cập vụ án "gỗ trắc" mà ông và một số vị đại biểu cùng đoàn đã nhiều lần nói đến tại nghị trường.
Đây là lần thứ 11 Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời về vụ án ly kỳ này. Trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã nhiều lần trả lời đại biểu đoàn Quảng Trị về vụ án.

Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị gần 13 năm vẫn chưa "hạ hồi phân giải"- Ảnh 1.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí từng nhiều lần trả lời chất vấn về vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị. Ảnh: Quốc hội

Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011, ông Trương Huy Liệu và vợ là bà Trần Thị Dung - chủ Công ty TNHH Ngọc Hưng - làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhập từ Lào về 535,8m3 gỗ trắc và nộp thuế đủ.

Hai ngày sau xuất lô gỗ đi Hồng Kông, trên đường chở xuống cảng Đà Nẵng thì bị bắt giữ. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan sau đó đã khởi tố vụ án Buôn lậu vào ngày 6/4/2012, chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an.

Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận: Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cuối cùng, C44 đã ra quyết định khởi tố các bị can trên.

Dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12/2013, ông Phan Văn Vĩnh - lúc đó là Trung tướng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - đã đề xuất "cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ". Ngay sau đề xuất của ông Vĩnh, lô gỗ được bán với giá 63,8 tỷ đồng.

Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị gần 13 năm vẫn chưa "hạ hồi phân giải"- Ảnh 2.

Lô gỗ trắc nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn - Lao Bảo bị cho là buôn lậu rồi tịch thu và đem bán đấu giá trái pháp luật. Ảnh: P.V

Liên quan đến việc gỗ trắc này, có hai vụ án. Ở vụ án về tội Buôn lậu, quá trình xét xử sơ thẩm, TAND TP.Đà Nẵng 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đến lần thứ tư vào ngày 23/8/2018, tòa tuyên 2 người phạm tội Buôn lậu 21,506m3 gỗ giáng hương (do giám định lần thứ nhất kết luận có số gỗ giáng hương). Bản án sơ thẩm phạt ông Liệu 1 năm 16 ngày tù (đúng bằng thời gian tạm giam), bà Trần Thị Dung 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Có 3 cựu công chức hải quan liên quan bị buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt mỗi người từ 6 - 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm tuyên trả lại cho vợ chồng ông Liệu số gỗ trắc không buôn lậu. Các bị cáo kháng án. Phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019 tuyên 2 người buôn lậu 78,872m3 gỗ, tăng mức phạt ông Liệu lên 7 năm tù giam, bà Dung lên 3 năm tù cho hưởng án treo.

Sau đó, ngày 5/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký quyết định tịch thu tang vật sung công quỹ số tiền hơn 59 tỷ đồng. Quyết định này bị bà Dung - đại diện cho Công ty TNHH Ngọc Hưng kiện ra TAND tỉnh Quảng Trị, và được thụ lý ngày 2/12/2019.

Ngày 7/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã xét xử phiên sơ thẩm vụ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vì quyết định tịch thu lô gỗ trắc của doanh nghiệp này.

Kết quả, tòa hành chính sơ thẩm TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên bác khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyết định hành chính của Tổng cục Hải quan là đúng pháp luật.

Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị gần 13 năm vẫn chưa "hạ hồi phân giải"- Ảnh 3.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bác nội dung khởi kiện của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng trong vụ gỗ trắc ở Quảng Trị. Ảnh: Lao Động

Vì tính chất đặc biệt của vụ án, nên tại phiên tòa ngày 7/9/2023, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời điểm đó là ông Lưu Bình Nhưỡng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã trực tiếp dự và giám sát.

Ở vụ án thứ hai liên quan đến hành vi ra quyết định trái pháp luật, đó là việc bán lô gỗ vật chứng. Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Ra quyết định trái pháp luật quy định tại điều 371 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại C44, Bộ Công an.

Đến ngày 10/9/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao ra quyết định khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, cựu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cơ quan điều tra xác định, ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên vụ án này từ lúc khởi tố đến nay đã 5 năm chưa được xử lý dứt điểm, lý do là không còn vật chứng của vụ án.

Trả lời tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây khi giải quyết vụ án Trương Huy Liệu (cựu Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng - PV) về hành vi "Buôn lậu" thì vật chứng đang còn. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Đà Nẵng thời điểm 2013 đã định lô gỗ giá 63 tỷ đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết quả định giá này để giải quyết vụ án và bản án đã có hiệu lực.

Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bán toàn bộ lô gỗ là vật chứng của vụ án năm 2014 thì theo Công ty Ngọc Hưng, trị giá lô gỗ lớn hơn nhiều so với số tiền bán vật chứng. Đến năm 2019, cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi trái pháp luật liên quan đến việc bán vật chứng của vụ án.

Theo Viện trưởng VKSNDTC đây là trường hợp hành vi vi phạm của hai vụ án khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, nên không có căn cứ lấy kết quả giám định của trường hợp này áp dụng cho trường hợp kia được. Tình huống thực tế này pháp luật chưa bao quát, chưa tiên liệu hết và chưa có quy định nên không thể thực hiện được.

Ông Trí cho biết, VKSND tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án gỗ trắc, kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ định bộ chuyên ngành tiến hành định giá, nếu được chấp thuận và thực hiện thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ có cơ sở để xem xét phục hồi điều tra vụ án.

Ông Phan Văn Vĩnh hiện đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu.

Kỳ án gỗ trắc ở Quảng Trị gần 13 năm vẫn chưa "hạ hồi phân giải"- Ảnh 4.

Ông Phan Văn Vĩnh trong phiên tòa đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh: Xuân Ân


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem