Cần sự công bằng
Khi dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (tháng 5 và 6.2015), Ban soạn thảo đề xuất quy định "không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên phạm tội". Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa theo hướng nâng độ tuổi lên là 75 tuổi.
Về quy định này, ông Nguyễn Thân - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, đã là pháp luật thì mọi công dân phải bình đẳng, không nên có sự ưu tiên: “Người 75 hay 80 tuổi, nhưng có đủ năng lực hành vi thực hiện việc phạm tội thì phải chịu trách nhiệm như những người bình thường khác, tại sao lại được ưu tiên?”.
Cũng theo ông Thân, quy định như vậy vì lý do nhân đạo với người cao tuổi cũng cần tạo sự thuyết phục. “Cần phải đặt vấn đề ngược lại, người già nói chung hay 75 tuổi trở lên là người có vốn sống lớn, hiểu biết xã hội sâu sắc, có kinh nghiệm ứng xử, theo lẽ thường họ không càng không được phạm tội. Đằng này nếu xảy ra trường hợp người 75 tuổi trở lên phạm vào tội ác có khung hình phạt tử hình như tội "giết người", "hiếp dâm trẻ em", "buôn bán ma túy"... lại được miễn hình phạt tử hình là không phù hợp với đạo lý" - ông Thân nói.
Có cùng quan điểm, luật sư Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) - giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp, nhấn mạnh thêm: Đưa ra độ tuổi cho người già để ưu tiên là vô nghĩa, nếu người 75, 80, hay 90 tuổi nào mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi xét xử thấy cần phải cách ly vĩnh viễn (tử hình) khỏi đời sống xã hội thì phải làm. “Như thế mới ngăn chặn được cái xấu trong đời sống xã hội, đảm bảo sự công bằng và quyền của những người khác trong cộng đồng" - luật sư Lý nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức -Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đặt tình huống: một người 74 tuổi phạm tội ác phải nhận án tử hình, nhưng một người 75 tuổi phạm tội ác gây hậu quả lớn hơn nhiều so với người 74 tuổi lại được miễn án tử hình, như thế sẽ rất bất cập.
Thiếu căn cứ khoa học
"Ở nước ta nhiều việc cứ phải phụ thuộc vào tuổi, như thế không chính xác, mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác về sức khỏe, trình độ, đạo đức... Nên bỏ ngay quy định như trong dự thảo, mà khi quy kết nên tính vào tội danh”.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
|
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Nói về độ tuổi, pháp luật hình sự của Việt Nam từ trước tới nay có quy định không áp dụng hình phạt tử hình và chung thân với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội. Quy định này được dựa trên cơ sở khoa học về tâm, sinh lý học, y học.
“Việc đưa quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người 70 tuổi, rồi lại nâng lên 75 tuổi mang tính chủ quan, không có cơ sở khoa học. Đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào nói về sự khác nhau về sinh học của người 74 và 75 tuổi. Tại sao người già hơn kém nhau 1 tuổi lại có sự khác biệt trong áp dụng pháp luật” - ông Đức đặt vấn đề.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, ông Lý phân tích: Nếu Ban soạn thảo đặt vấn đề là nhân đạo với người già, bởi mối nguy hiểm cho xã hội của họ có thể bị hạn chế, tuy nhiên không cần đặt ra quy định trên cũng vẫn xử lý theo hướng nhân đạo với người già được. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định về những tình tiết giảm nhẹ, trong đó tại điểm m Điều 46 có nêu người phạm tội là người già là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
“Chúng ta đã có chế định mà dự thảo bộ luật vẫn đưa ra là thừa. Như thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các cá nhân và tổ chức khác” - luật sư Lý bày tỏ.
Ông Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng cho rằng, trừ trường hợp người vị thành niên và phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được miễn hình phạt tử hình, còn ở mọi lứa tuổi khi phạm tội đều phải bị xử lý công bằng trước pháp luật: “Vì lý do nhân đạo hay lý do gì nữa mà đưa ra quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người 75 tuổi trở lên phạm tội là không ổn, không có sự công bằng trước pháp luật”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.