Đề xuất chuyển đổi linh hoạt 300.000ha đất trồng lúa, GS Võ Tòng Xuân: Đừng “bắt” nông dân chỉ trồng lúa

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 15/10/2021 18:36 PM (GMT+7)
Theo đề xuất của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/10, trong số 3,56 triệu hecta đất trồng lúa có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000ha nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.
Bình luận 0

 Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi đất trồng lúa là hoàn toàn phù hợp nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ được đất trồng lúa.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa còn mang tính tự phát

Theo GS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đến nay, nền nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn ưu tiên số một cho cây lúa, thực tế các công trình thủy lợi ngọt hóa hoặc ngăn mặn cũng để ưu tiên cho trồng lúa. 

Trong khi đó, ở ĐBSCL, đời sống của người trồng lúa là nghèo nhất so với canh tác những cây trồng khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện nay việc chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi trên đất lúa ở khu vực này vẫn mang tính tự phát.

xung quanh Đề xuất chuyển đổi 300.000ha đất trồng lúa: Đừng “bắt” nông dân chỉ trồng lúa  - Ảnh 1.

Theo đề xuất của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/10, trong số 3,56 triệu hecta đất trồng lúa có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000ha nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại. Trong ảnh: Người dân Hà Tĩnh thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Mỹ Hà

Diện tích cây trồng, vật nuôi chuyển đổi trên đất trồng lúa năm 2021 khu vực Nam Bộ ước đạt 77.328ha, trong đó vùng Đông Nam Bộ là 6.401ha, vùng ĐBSCL là 70.927ha; việc chuyển đổi trên đất trồng lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 - 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 51.189ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 14.712ha và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản (tôm- lúa; cá - lúa) là 11.427ha.

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ một số hạn chế của việc chuyển đổi đất trồng lúa như vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung, chưa có nhà máy chế biến và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng. 

Chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững.

Trong khi đó, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.

Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng màu có diện tích lớn. 

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân đồng tình ủng hộ cao nhưng những công trình nạo vét kênh mương bị bồi lắng, công trình thủy lợi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tiểu vùng chưa hoàn chỉnh.

Phải xác định rõ nguyên tắc chuyển đổi đất trồng lúa

Theo đề xuất của Chính phủ tại quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong số 3,57 triệu hecta đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Trao đổi với Dân Việt về đề xuất này của Chính phủ, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, đề xuất này là phù hợp để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

xung quanh Đề xuất chuyển đổi 300.000ha đất trồng lúa: Đừng “bắt” nông dân chỉ trồng lúa  - Ảnh 3.

"Thực tế, dù chúng ta đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn rất khó khăn, thu nhập bấp bênh, trong khi nếu chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình như tôm - lúa hoặc trồng cây ăn quả, thu nhập của nông dân sẽ được cải thiện đáng kể" - GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo GS Võ Tòng Xuân, chỉ tính riêng ở khu vực ĐBSCL, hoàn toàn có thể phát triển mô hình tôm – lúa ở khu vực ven biển, vừa đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa tạo sinh kế cho người dân. "Riêng diện tích áp dụng mô hình này có thể lên đến 200.000ha" – GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, hiện nhiều vùng chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái cho giá trị thu nhập rất cao.

Đề xuất chuyển đổi linh hoạt 300.000ha đất trồng lúa, GS Võ Tòng Xuân: Đừng “bắt” nông dân chỉ trồng lúa  - Ảnh 3.

Chuyển đổi đất trồng lúa bị hạn mặn sang trồng thanh long tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: K.N

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dù việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt. 

Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất).

Cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Để việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. 

 Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem