Đề xuất đổi giờ học: Phụ huynh, thầy cô lo không khả thi

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 01/11/2019 12:58 PM (GMT+7)
Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp hơn ở các đô thị. Việc này từng được đề xuất nhiều, tại sao vẫn chưa thể triển khai?
Bình luận 0

Học sinh hào hứng

Hiện nay, học sinh tiểu học, THCS và THPT ở TP.HCM vào lớp học lúc khoảng 7h sáng. Riêng đối với các lớp mầm non, nhiều cơ sở cô giáo và bảo mẫu phải có mặt ở trường để đón trẻ lúc 6h30 sáng, sau đó cho trẻ ăn sáng rồi mới bắt đầu buổi học mới.

Để kịp đến trường cho đúng giờ học và giờ làm của phụ huynh, học sinh phải dậy sớm, thông thường từ 5h30 - 6h, tùy trường hợp nhà xa hay gần trường hơn.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thương (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, gia đình có 2 con cùng học tiểu học nên chị phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho các cháu. Riêng hai con thường phải mặc quần áo học sinh từ lúc đi ngủ để sáng ra không phải tốn thời gian thay quần áo.

img

Học sinh ngáp ngủ là hình ảnh thường thấy trong các ngày khai giảng hay các tiết học đầu ngày.

“Dẫu vậy, sáng nào, ba mẹ cũng phải gọi rất lâu các con mới dậy, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng qua loa, lúc ra khỏi nhà, mặt còn ngái ngủ. Tôi phải kê cái gối mềm trước đầu xe để con gái nhỏ gục đầu ngủ thêm một lát trước khi đến trường”, chị Thương cho biết.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo TP.HCM với học sinh, sinh viên tiêu biểu TP.HCM 2019, nữ sinh Đỗ Bùi Ngọc Thương - học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã bày tỏ mong muốn được thay đổi giờ vào học.

Thương cho biết, dù đã sắp rời mái trường phổ thông, việc vào lớp học lúc 7h sáng với em cũng đã quen sau gần 12 năm thực hiện, nhưng Thương vẫn momg muốn được đổi giờ học sang 8h sáng. Theo em, để đến trường đúng giờ, cũng như cho kịp giờ làm của ba mẹ, em phải thức dậy từ 5h30, chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập và ăn bữa sáng vội vàng. Mẹ em nấu cơm cho bữa trưa ăn ở văn phòng nữa, nên mọi người đều rất vội vã.

Điều Thương ám ảnh hơn là tất cả mọi người đều đổ ra đường trong khung giờ 6h30 - 7h, dẫn đến kẹt xe khói bụi. Những học sinh lớn còn đỡ, những em bé ra đường vừa đi, vừa ngủ gật rất thương.

“Tại sao chúng ta phải bắt đầu một ngày mới với nhiều áp lực và mệt mỏi như vậy, chịu khói bụi, kẹt xe? Nếu thay đổi giờ học trễ hơn một chút, học sinh chúng em sẽ có tâm trạng thoải mái hơn mỗi khi đến trường”, Ngọc Thương chia sẻ.

Vướng nhiều yếu tố, khó thực hiện

Dù đề xuất đổi giờ học sang trễ hơn vào buổi sáng được nhiều học sinh hào hứng tán thành, tuy nhiên, ở góc độ phụ huynh và thầy cô, giờ học của con em ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên không thể muốn đổi là đổi được.

img

Khi được hỏi, phần lớn học sinh mong muốn được có thêm thời gian nghỉ ngơi bên gia đình. Trong ảnh là học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM).

Thầy Nguyễn Bảo Quốc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, câu chuyện dời thời gian vào lớp buổi sáng đã được đề cập nhiều lần. Nhà trường cũng nhìn thấy việc học sinh còn uể oải, mệt mỏi do thức dậy sớm. Việc đổi thời gian học cũng là mong muốn của nhiều học sinh và giáo viên, để họ có nhiều thời gian hơn bên gia đình.

Tuy nhiên, việc này không đơn giản rằng muốn đổi là đổi, vì còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian đưa đón học sinh của phụ huynh, thời gian học trên lớp nhằm đảm bảo chương trình học, thời gian hoạt động ngoại khóa…Cụ thể, vào học trễ hơn đồng nghĩa với kết thúc trễ hơn, thu hẹp thời gian vui chơi, nghỉ ngơi hay những hoạt động trải nghiệm khác của học sinh.

“Vấn đề của ngành giáo dục hiện nay không nằm ở chỗ vào học lúc 7h hay 8h, mà nguyên nhân của những áp lực, mệt mỏi cho cả học sinh và giáo viên là chương trình học quá nặng nề, trong một buổi học có quá nhiều kiến thức phải tiếp nhận”, thầy Quốc nói.

Thầy Quốc cho rằng, ở nước ngoài, thậm chí ngay các cơ sở giáo dục quốc tế tại Việt Nam, bắt đầu giờ học muộn, lúc 8h, thậm chí là 9h sáng. Nhưng thời khóa biểu của học sinh các nước này chỉ có 5 tiết/ngày và được học 2 buổi.

Đối chiếu với chương trình Việt Nam hiện nay, nếu ngày học 2 buổi thì phải đảm bảo 8 tiết, mỗi tiết 45 phút, đảm bảo đúng khối lượng kiến thức đã định. Ngoài ra, phải xen kẽ thêm hàng loạt các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sáng tạo…

“Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên, bớt kiến thức hàn lâm, khó hiểu. Khi đó, nhà trường sẽ sắp xếp thời gian học phù hợp hơn. Học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi và tham gia hoạt động ngoại khóa hơn”, thầy Quốc cho biết.

img

Chương trình học nặng nề, nhiều kiến thức phải tiếp nhận khiến học sinh quá tải hơn là việc vào học sớm thay muộn.

Về vấn đề thay đổi giờ vào học, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, nếu dời giờ học lúc 8h thì giờ ra về sẽ rất trễ. Ngành giáo dục phải sắp xếp để học sinh tan trường trước 11h30, tránh kẹt xe và chuẩn bị cho ca học buổi chiều.

Ngoài ra, giờ học của học sinh còn phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh, người đưa rước. Nếu cha mẹ đi làm lúc 7h30 thì không thể đưa con đi học lúc này được. Các lớp học 2 buổi sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn, nhưng thành phố vẫn còn nhiều lớp học 1 buổi. Ông Nam cho biết, dẫu vậy, ngành giáo dục sẽ lấy ý kiến để điều chỉnh giờ học cho phù hợp hơn.

Trong bài phát biểu của mình, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Đình) đã đề xuất Nhà nước đổi giờ học và giờ làm việc tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Quy Nhơn…

Theo ông Cảnh, việc chúng ta đang dùng thời giờ làm việc của nước nông nghiệp để áp đặt vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ là không phù hợp. Đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích cho giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm, kỷ cương của công chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem