Đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm: Có lợi nhưng không dễ làm

Nguyệt Tạ - Thuận Hải Thứ bảy, ngày 02/11/2019 06:00 AM (GMT+7)
Trong thảo luận kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, có đại biểu cho rằng nên lùi giờ học giờ làm ở thành phố để phù hợp với đời sống của người dân. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn gây tranh cãi quyết liệt.
Bình luận 0

Đi làm muộn hơn: Nhiều lợi ích?

Vừa qua tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị đổi giờ học, giờ làm phù hợp đời sống ở các đô thị. Theo đó, ông Cảnh cho rằng trên thế giới cũng như châu Á hiện nay, thời gian bắt đầu giờ học, giờ làm thông thường là 8h30 đến 9  giờ, nghỉ trưa 1 tiếng. Giờ học, giờ làm này được áp dụng đồng bộ với các cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục. Hiện ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng chọn thời gian làm việc như vậy.

Ông Cảnh cũng cho biết, nhiều cuộc khảo sát ý kiến rộng rãi về thời điểm bắt đầu giờ làm việc cũng cho kết quả 14% số người tham gia bình chọn giờ học, giờ làm bắt đầu từ 7 giờ 30, 33% chọn 8  giờ và 53% chọn 8giờ 30. Đại biểu này nhấn mạnh, điều này cho thấy có nhiều sự ủng hộ với đề xuất đổi giờ, học giờ làm.

img

  Nhiều tuyến đường ở Hà Nội luôn trong tình trạng kẹt cứng vào mỗi buổi sáng. (Ảnh: Lê Hiếu)

Theo ông Cảnh, Việt Nam đang dùng giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch là không phù hợp. “Đi học, đi làm muộn hơn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế ban đêm như Thủ tướng từng đề cập” - ông Cảnh phân tích.

Lao động Nguyễn Thị Tâm (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này và cho rằng, nên đi làm muộn để chị có thêm thời gian chuẩn bị ăn sáng cho con và đưa con đi học. Chị Tâm nói: “Lâu nay vào làm lúc 7  giờ 30 phút nên cả gia đình mình phải dậy từ rất sớm. Mình dậy từ 5 giờ 30 để đi chợ, 6 giờ sáng về thì cả nhà ăn sáng và khoảng 7 giờ kém cả nhà đã phải ra khỏi nhà rồi. Hôm nào mệt, ngủ dậy muộn hơn là cả nhà không được ăn sáng, rồng rắn kéo nhau đi học, đi làm rất mệt mỏi”. Cùng chung mong muốn đẩy giờ học, giờ làm muộn hơn, bạn Lê Thùy Linh (sinh viên Học viện Báo chí) cũng cho rằng nên lùi giờ học xuống, vì 7  giờ vào học khiến các em rất mệt, không kịp ăn sáng.

...lắm bất cập!

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ đề xuất thay đổi lịch học, làm việc theo hướng lùi thời gian đi làm xuống thì nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là ý kiến chưa phù hợp, khó khả thi.

Bình luận về nội dung trên, ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng nếu nghỉ ăn trưa 1 tiếng thì hơi gấp bởi vì trong 1 tiếng ấy người lao động có thể chưa kịp ăn trưa, mà đã đến giờ làm. 

Chúng ta học tập kinh nghiệm từ các nước nhưng cần có chọn lọc và phù hợp với điều kiện trong nước, từng địa phương, chứ không nhất thiết quy định cứng trong luật. Cần phải đánh giá tác động toàn diện của việc thay đổi giờ làm tới điều kiện sinh hoạt... của lao động”. 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Trước đó, theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn chưa bố trí được bếp ăn tập thể cho công nhân lao động, lao động phải đi rất xa để ăn trưa. Chính bởi vậy, ông Thọ cũng cho rằng trong 1 tiếng đó lao động không thể nào tiêu thụ hết đồ ăn, cũng như có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và ảnh hưởng gián tiếp tới năng suất làm việc buổi chiều.

“Tôi cho rằng quan trọng là xem ý kiến của công nhân lao động xem họ thấy đề xuất đó thế nào, có phù hợp không? Nếu tổng thời gian làm việc không thay đổi, vẫn thống nhất là 8 tiếng thì không sao vì sáng làm muộn 1 tiếng thì chiều phải làm muộn 1 tiếng hoặc giảm thời gian nghỉ trưa. Trước mắt không nên thay đổi bởi công nhân lao động Việt Nam đang giữ thói quen được nghỉ trưa 1,5 tiếng rồi, còn sau này nếu muốn thay đổi thì phải nghiên cứu kỹ” – ông Thọ nói.

Bàn về đề xuất này, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, vấn đề này nên giao cho Chính phủ quy định, không nên đưa vào luật. “Để thực hiện cần phải nghiên cứu cụ thể vì nó chịu tác động của nhiều yếu tố. Ví dụ tác động với sự phát triển kinh tế - xã hội; tác động tới sức khỏe người lao động; thói quen sinh hoạt của lao động... Ví dụ công chức đi làm muộn thì doanh nghiệp phải làm giờ nào, có phải chờ đợi đơn vị dịch vụ công làm việc không? Có lo ngại công việc bị đình trệ không...?”.

Ông Huân cũng cho biết, trước đó trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2019, điều này cũng được Bộ LĐTBXH đưa vào Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề sau đó được loại ra do có nhiều ý kiến khác biệt.

“Quan điểm cá nhân tôi là nên giao Chính phủ xem xét quyết định. Việc sửa giờ làm việc, giờ học tập tại các thành phố lớn cũng nên được xem xét cụ thể, lấy ý kiến đánh giá tác động. Còn phía các địa phương nên giao quyền chủ động cho UBND tỉnh để họ chủ động thiết kế giờ làm việc phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, địa lý và khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương.

Trong khi đó, ông  Nguyễn Bảo Quốc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, câu chuyện dời thời gian vào lớp buổi sáng đã được đề cập nhiều lần. Nhà trường cũng nhìn thấy việc học sinh còn uể oải, mệt mỏi do thức dậy sớm. Việc đổi thời gian học cũng là mong muốn của nhiều học sinh và giáo viên, để họ có nhiều thời gian hơn bên gia đình.

Tuy nhiên, việc này không đơn giản rằng muốn đổi là đổi, vì còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian đưa đón học sinh của phụ huynh, thời gian học trên lớp để đảm bảo chương trình học, thời gian hoạt động ngoại khóa… Cụ thể, vào học trễ hơn đồng nghĩa với kết thúc trễ hơn, thu hẹp thời gian vui chơi, nghỉ ngơi hay những hoạt động trải nghiệm khác của học sinh.

“Vấn đề của ngành giáo dục hiện nay không nằm ở chỗ vào học lúc 7 giờ hay 8 giờ, mà nguyên nhân của những áp lực, mệt mỏi cho cả học sinh và giáo viên là chương trình học quá nặng nề, trong một buổi học có quá nhiều kiến thức phải tiếp nhận. Đối chiếu với chương trình Việt Nam hiện tại, nếu ngày học 2 buổi thì phải đảm bảo 8 tiết, mỗi tiết 45 phút, đảm bảo đúng khối lượng kiến thức đã định. Ngoài ra phải xen kẽ thêm hàng loạt các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sáng tạo”- ông Quốc nói.

Nói về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Nếu dời giờ học lúc 8 giờ thì giờ ra về sẽ rất trễ. Ngành giáo dục phải sắp xếp để học sinh tan trường trước 11  giờ 30, tránh kẹt xe và chuẩn bị cho ca học buổi chiều. Chương trình văn hóa hiện nay khá nặng, chiếm hầu hết thời gian lên lớp nên việc đổi giờ học càng khó hơn”.

Ngoài ra theo ông Nam,  giờ học của học sinh còn phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh, người đưa rước. Nếu cha mẹ đi làm lúc 7 giờ 30 thì không thể đưa con đi học lúc này được. Các lớp học 2 buổi sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn nhưng thành phố vẫn còn nhiều lớp học 1 buổi. Dẫu vậy, ngành giáo dục sẽ lấy ý kiến để điều chỉnh giờ học cho phù hợp hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem