Đề xuất giải cứu người trồng lúa: Cho vay vốn thay vì mua tạm trữ

Thứ tư, ngày 05/06/2013 09:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay vì lãi 30% theo giá thành định hướng, hiện giờ nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị... lỗ 30%. Dù giá lúa xuống quá thấp nhưng nông dân vẫn buộc phải bán để có tiền thanh toán nợ nần...
Bình luận 0

Phải bán lúa cho Thái Lan

Sáng 4.6, ông Trần Văn Thành - nông dân đang trồng lúa ở Hưng Hà, huyện Tân Hưng, (Long An) cho biết: “Tôi thuê đất trồng lúa với giá 18 triệu đồng/ha/năm. Tính ra mỗi vụ lúa, tiền thuê đất là 6 triệu đồng. Vụ hè thu, chưa tính công nhà thì chi phí cho mỗi ha lúa khoảng 18 triệu đồng, tổng chi phí là 24 triệu đồng. Với năng suất khoảng 5 tấn/ha, nông dân bán lúa sẽ thu được khoảng 18 triệu đồng. Tính ra, nông dân lỗ khoảng 30%”.

Theo ông Thành, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ thu mua với điều kiện nông dân phải chở lúa tới kho chứa của họ. Do đó, nông dân chỉ còn cách bán qua thương lái chứ không có sự lựa chọn nào khác. Lão nông Ba Tráng ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An nói: “Vụ hè thu này, tôi canh tác 40ha lúa OM4900, năng suất chỉ đạt hơn 4 tấn/ha. Tôi “may mắn” hơn các nông dân khác khi đã bán lúa cách đây 3 tuần, với giá 4.500 đồng/kg. Với giá lúa này, coi như huề vốn. Nay giá lúa chỉ còn 3.500 – 3.700 đồng/kg, thì nông dân từ huề tới lỗ. Nhiều hộ chưa tính công nhà vẫn phải lỗ từ 2 – 3 triệu đồng/ha” – ông Tráng nói.

img
Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Trong khi thương lái trong nước đang chê ỏng chê eo không thèm thu mua lúa gạo, thì dọc biên giới, gạo Việt vẫn đang “chảy ngược” sang Campuchia. Ông Trần Văn H – thương lái chuyên thu mua lúa ở vùng Đồng Tháp Mười bức xúc: “Vụ đông xuân vừa rồi, tôi còn tồn kho hàng ngàn tấn lúa, giá công ty đưa ra quá thấp nên thương lái như tôi cũng lỗ “sặc gạch” thì làm sao đi mua lúa trong dân”.

Cũng theo ông H, nhiều thương lái phải chọn giải pháp bán lúa gạo sang Thái Lan qua đường Campuchia để thu hồi vốn. “Vụ hè thu năm ngoái, họ mua đủ loại gạo, từ thấp cấp như IR50404 đến gạo thơm như OM4900, OM4218. Giá lúa tươi IR50404 giữa vụ hè thu năm ngoái đạt 5.000 đồng/kg. Năm nay, họ chỉ mua gạo hạt dài nên IR50404 chỉ còn 3.500 đồng/kg. Các giống khác cũng rớt giá thê thảm”.

Theo nhiều thương lái, may mà họ còn đường bán sang Thái Lan, chứ nếu không giá lúa gạo trong nước còn thấp hơn nữa. “Chính phủ Thái Lan có chương trình trợ giá cho nông dân của họ, nhờ đó mà nông dân Việt được hưởng lợi ké. Dường như chương trình hỗ trợ của họ (Thái Lan – PV) có hiệu quả hơn chương trình của ta” – một thương lái nói.

Cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Hỏi về chương trình tạm trữ, lão nông Ba Trang nói thẳng: “Chương trình đó chúng tôi chỉ biết qua báo, đài. Các doanh nghiệp thu mua yêu cầu nông dân phải đem lúa bán tại kho của họ nên chúng tôi bó tay”. Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, chương trình thu mua tạm trữ áp dụng trong thời gian qua không tác động nhiều tới giá cả, nông dân không được hưởng lợi. Theo phân tích của ông Đức, chỉ tiêu phân bổ tạm trữ quá thấp so với lượng lúa thu hoạch, rồi thời gian thu mua ngắn trong khi nông dân thu hoạch kéo dài, và quan trọng hơn, các doanh nghiệp hầu hết đều mua qua thương lái nên rất ít nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này.

Không nên ép dân trồng mãi lúa

“Trước đây, nông dân phải trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng nhiều năm trở lại đây, lúc nào ta cũng là nước đứng nhất nhì về xuất khẩu lúa gạo. Có điều, so với Thái Lan thì giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn rất nhiều, thành ra nông dân luôn thiệt thòi. Theo tôi, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, đừng bắt nông dân bám mãi cây lúa để “bảo đảm an ninh lương thực”, cũng đừng vì vị trí số 1 mà tìm mọi cách để nâng sản lượng lúa, bởi trồng nhiều mà giá thấp thì nông dân thiệt, chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi. Có rất nhiều loại cây trồng khác phù hợp với đất đai thổ nhưỡng Việt Nam, như cây ăn trái hoặc khoai tây chẳng hạn, nhiều nơi có thể trồng và lợi nhuận cao hơn cây lúa”.

Ông Đức cho rằng, dù giá lúa đang xuống rất thấp và nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chương trình thu mua tạm trữ nhưng cách làm này cũng vẫn không hiệu quả.

“Hầu hết nông dân đều phải vay vốn ngân hàng để sản xuất. Họ phải bán lúa tươi ngay tại ruộng là để trả nợ ngân hàng, thanh toán tiền nợ cho đại lý vật tư nông nghiệp. Số vốn hàng ngàn tỷ đồng, thay vì cho doanh nghiệp vay để thu mua tạm trữ, Nhà nước nên có chính sách chuyển sang cho dân vay” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, với giá lúa thấp như hiện nay, để “cứu” nông dân, Nhà nước phải hỗ trợ bằng cách chuyển số vốn tạm trữ sang ngân hàng, sau đó ngân hàng sẽ dãn nợ cho dân trong vòng 3 tháng, đồng thời hỗ trợ lãi suất giống như áp dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Không còn áp lực trả nợ, nông dân sẽ tự tạm trữ chờ giá lúa lên. “Tôi cho rằng, chỉ cần 50% lượng lúa thu hoạch được dân tạm trữ, áp lực cung - cầu sẽ được cân đối và giá lúa sẽ tăng” – ông Đức phân tích thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem