Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế: Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 10/11/2021 11:57 AM (GMT+7)
Việc Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, được kỳ vọng là “bàn đạp” để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng, doanh nghiệp và chuyên gia vẫn còn những quan ngại.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, tại phiên thảo luận chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ này đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đó tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau.

Tuy nhiên, sẽ hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay, thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng, để tranh lặp lại hệ lụy về nợ xấu như năm 2009.

Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất: Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Văn phòng Quốc hội).

Cũng trong buổi thảo luận, ĐBQH Trần Hoàng Ngân,  ĐHQH Nguyễn Thiện Nhân cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp từ 2 – 3% lãi suất. Riêng ông Nhân, đề xuất hỗ trợ cho mỗi doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vay bình quân 5 tỷ đồng, hộ kinh doanh 25 triệu thông qua giảm 3% lãi suất để các doanh nghiệp khởi động lại hoạt động sau đại dịch.

Doanh nghiệp lo không tiếp cận được, khó tránh "xin – cho"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần V.T – Giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao cho biết, việc có được 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế với hỗ trợ lãi suất 4% từ nhà nước là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi. Tuy nhiên, điều ông T. băn khoăn là, liệu gói hỗ trợ này có đi vào thực tiễn hay không khi các gói hỗ trợ trước vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng?

"Doanh nghiệp tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tàu kinh tế của tỉnh. Bản thân doanh nghiệp luôn tăng đầu tư, tăng giá trị mang lại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Trong quan hệ tín dụng, doanh nghiệp cũng không có nợ xấu mà 3 năm nay theo đuổi các gói hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được.

Bản thân các ngân hàng cũng chia sẻ với chúng tôi, dù có chủ trương nhưng trong quá trình triển khai rất nhiều vướng mắc khiến ngân hàng không đủ mạnh dạn để cho doanh nghiệp vay,… Vì vậy, chủ trương là tốt nhưng mấu chốt vẫn nằm ở việc triển khai", vị này nói.

Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất: Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp lo ngại không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất. (Ảnh: LT)

Cũng theo ông T, một thực tế không thể phủ nhận là tính minh bạch trong các chính sách còn hạn chế. Vì vậy, nếu gói hỗ trợ không triển khai trên diện rộng cho tất cả các đối tượng, thay vào đó lựa chọn đối tượng doanh nghiệp để hỗ trợ liệu có tránh được các vấn đề nhạy cảm, xin – cho, trục lợi chính sách hay không?

"Chẳng hạn doanh nghiệp A đạt 8 tiêu chí, doanh nghiệp B đạt 10 tiêu chí nhưng doanh nghiệp A có quan hệ với ông nọ bà kia,… có khi lại được hỗ trợ còn doanh nghiệp B lại không. Đây không phải là vấn đề mới, mà nó là thực tế đã xảy ra, vì vậy doanh nghiệp cũng rất quan ngại vấn đề này", vị này dẫn chứng thêm.

Ông T đề xuất, Chính phủ phân bổ hỗ trợ (nếu có) theo địa phương.

"Chẳng hạn. tỉnh A chọn ra các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tàu, ví dụ nông nghiệp bao nhiêu doanh nghiệp, xuất khẩu bao nhiêu doanh nghiệp và ấn định luôn doanh nghiệp được tiếp cận, được vay gói hỗ trợ thay vì chung chung như nhiều chính sách đã từng ban hành. Thực hiện như thế sẽ thiết thực với doanh nghiệp hơn", vị này nói.

Quan trọng là cách làm

Dưới góc nhìn của mình, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc hỗ trợ này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Theo ông Nghĩa, nếu xét về nguyên tắc thì thông lệ quốc tế không quốc gia nào hỗ trợ theo cách đề cập ở trên. Bởi nếu không làm cẩn thận sẽ kéo ngân hàng vào việc cho vay nhưng cuối cùng hàng chục năm sau chưa quyết toán sau như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, khác gì "giết ngân hàng".

Nếu triển khai gói hỗ trợ thông qua giảm lãi suất, vấn đề quan trọng là cách làm – theo TS. Lê Xuân Nghĩa.

Ngân sách muốn tài trợ cho doanh nghiệp thì nên tìm cách nào đó để tài trợ trực tiếp. Không có chuyện như trước đây lãi suất 6% thì ngân hàng cho vay 2%, còn lại được Nhà nước cấp bù 4% nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán xong, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất bình thường, sau đó các doanh nghiệp này lên Kho bạc Nhà nước lĩnh tiền hỗ trợ lãi suất. Cách này vừa là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vừa tránh nguy hiểm cho các ngân hàng và méo mó thị trường.

Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất: Doanh nghiệp và chuyên gia nói gì? - Ảnh 4.

Cách hỗ trợ cần tránh nguy hiểm cho các ngân hàng và méo mó thị trường. (Ảnh: ACB)

"Đối với các tập đoàn lớn, Chính phủ trực tiếp cho các tập đoàn lớn vay, như Vietnam Airlines chẳng hạn nếu có giảm lãi suất thì cũng vay được ngân hàng đâu mà giảm. Nhiều doanh nghiệp như thế chứ không chỉ mình Vietnam Airlines. Với các doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp này để vay ngân hàng. Nếu chỉ chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện vay để hỗ trợ thì giảm lãi suất đối cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì lớn, thậm chí những doanh nghiệp đủ điều kiện vay còn không quan trọng như những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay", ông Nghĩa đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem