Dự kiến, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nói trên vào tháng 10.2012 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1.1.2013 tới.
Theo bà Dương Thị Ngọc Dung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng: Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, DN đang phải “oằn lưng” vừa để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa để đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, việc tăng lương sẽ tác động bất lợi tới việc hoạt động của DN.
“Nếu tăng lương, người lao động chưa chắc đã được hưởng lợi tức thì, còn DN oằn mình đóng thêm các loại phí bảo hiểm” – bà Dung khẳng định.
|
Lương tại doanh nghiệp mới chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động. |
Chính vì vậy, theo bà Dung, Chính phủ cần cân nhắc, vì đây đang là thời điểm rất “nhạy cảm”, các DN đang phải chống chọi với nền kinh tế “giảm phát”, sức mua giảm, hàng hóa tồn đọng, nhiều DN đang phải trả lương cho công nhân bằng sản phẩm.
Nhìn nhận từ góc độ người lao động, ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn nêu ý kiến: “Cần phải tính toán cụ thể, khoa học mọi chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại… của người lao động để xác định mức lương tối thiểu. Nếu chỉ dựa trên các chỉ số như CPI và GDP sẽ là không phù hợp”. Cũng theo ông Điều, hiện nay mức lương của lao động khu vực DN mới chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động – đây là mức lương thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ.
Nhận định về hai phương án tăng lương, lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho rằng, phương án thứ nhất (tăng từ 2 triệu lên 2,7 triệu) giúp người lao động giảm bớt gánh nặng khó khăn trong bối cảnh giá cả liên tục trượt giá, leo thang. Thế nhưng, đây cũng là bài toán nan giải đối với nhiều DN đang trong tình trạng khó khăn, do mức điều chỉnh này làm tăng chi phí lớn, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của họ.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.