Đề xuất tạm ngưng việc công bố hợp quy thuốc thú y: Doanh nghiệp mong sớm giảm thiểu thủ tục hành chính

Trần Quang Thứ hai, ngày 01/04/2024 10:41 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có đề xuất Chính phủ chỉ đạo cho tạm ngưng hoặc không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y... Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, về lâu dài, đề nghị Bộ NNPTNT xây dựng quy trình thực hiện hợp quy đơn giản, giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Bình luận 0
Đề xuất tạm ngưng việc công bố hợp quy thuốc thú y: Doanh nghiệp mong sớm giảm thiểu thủ tục hành chính- Ảnh 1.

Bộ NNPTNT vừa có báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về bất cập trong công bố hợp quy thuốc thú y. Theo đó, Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng cho phép bộ sửa đổi, bổ sung thông tư số 13-2016 của bộ quy định về quản lý thuốc thú y theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ quy định việc đánh giá sự phù hợp, công bố hợp quy thuốc thú y được thực hiện theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình theo phụ lục II thông tư số 28-2012 của bộ trưởng Bộ KHCN).

Bộ NNNPTNT cho rằng việc này vừa bảo đảm thực hiện công bố hợp quy thuốc thú y theo quy định, không phải lấy mẫu giám sát đánh giá chất lượng sản phẩm hằng năm, vừa không phải đánh giá quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

“Trước mắt, đề xuất Chính phủ có văn bản chỉ đạo, cho tạm ngưng hoặc không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2 cho đến khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật có hiệu lực thi hành.

Về lâu dài, đề xuất Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo hướng loại trừ thuốc thú y không phải công bố hợp quy” - Bộ NNPTNT kiến nghị.

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã đặt loạt bài phản ánh bất cập thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y. Cụ thể, tháng 8/2018, Bộ NNPTNT ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT quy định phương thức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y; và Thông tư số 10/2018/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y (QCVN 01-187:2018/BNNPTNT).

Trước phản ứng của các doanh nghiệp, Thông tư này đã được hoãn thực hiện 5 năm và sẽ phải thực hiện từ tháng 4/2024 tới đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng nên bãi bỏ hẳn thủ tục này để phù hợp với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điều này, cũng được chính một số cơ quan của Bộ NNPTNT đồng tình, ủng hộ.

Hiệp hội Sản xuất – kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần bãi bỏ hoặc tiếp tục hoãn việc thực hiện thủ tục hợp quy với thuốc thú y.

Cụ thể, theo thủ tục hợp quy còn trùng lắp với các thủ tục khác, gây lãng phí về nguồn lực, chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Trong khi đó, các nước trên thế giới hiện không có quy định thủ tục hợp quy.

Hiệp hội Sản xuất – kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam kiến nghị, Bộ NNPTNT nghiên cứu bãi bỏ quy định này. Nếu chưa bãi bỏ được thì tiếp tục cho hoãn thực hiện.

Mới đây, 4 hội, hiệp hội thuộc ngành chăn nuôi cùng ký đơn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép chỉnh sửa quy định này trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đề xuất tạm ngưng việc công bố hợp quy thuốc thú y: Doanh nghiệp mong sớm giảm thiểu thủ tục hành chính- Ảnh 2.

Công nhân sản xuất thuốc thú y tại một nhà máy ở Hà Nam. Ảnh: TQ

Trong thời gian chờ sửa luật, cơ quan chức năng cho phép tạm ngưng việc thực hiện công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Theo các hội và hiệp hội, việc công bố hợp quy các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y hiện nay hoàn toàn hình thức, nặng tính đối phó, trong khi chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y rất tốn kém.

"Chỉ tính riêng phần chi phí phân tích thử nghiệm mẫu đã rất lớn. Đơn cử thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y dao động 2 - 4 triệu đồng/sản phẩm và 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vắc xin của lần đánh giá công nhận.

Nếu tính cho một doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm và cả ngành chăn nuôi, thú y có hàng ngàn cơ sở sản xuất thì chi phí này mất tới hàng trăm tỉ đồng" - các hội và hiệp hội lý giải.

Các hội và hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa theo hướng "áp dụng đồng loạt không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản" trong Luật Thuế giá trị gia tăng.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, C.P là doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng thuốc thú y rất nhiều. "Điều tôi lo lắng nhất là trong thời gian tới, khi thuốc thú y không được lưu hành, không được đưa vào sử dụng cho vật nuôi sẽ gây thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, C.P đã phải nhập rất nhiều vắc xin, thuốc thú y để dự trữ trong các kho. Nhưng thời gian tới, lượng đó hết đi thì chỉ trong 2 năm, ngành chăn nuôi có nguy cơ bị xóa sổ.

Tôi rất mong các Hội/Hiệp hội ngành chăn nuôi đoàn kết, hợp lực mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn trong việc hợp quy thuốc thú y”, ông Vũ Anh Tuấn nói.

Đồng tình với việc hợp quy gây tốn kém, mất thời gian, ông Bạch Quốc Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam (Greenvet) cho hay: Sau ngày 14/02, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất thuốc thú y chưa có hợp quy mà vẫn tiếp tục kinh doanh là sai luật, sẽ bị phạt. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì không muốn bán hàng như vậy.

“Khi nhập khẩu thuốc thú y, Greenvet đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1 lấy mẫu kiểm tra 3 chỉ tiêu hiệu lực, an toàn và vô trùng. Tôi đã từng đặt vấn đề sử dụng giấy đó để làm hồ sơ hợp quy, nhưng Cục Thú y không đồng ý. 

Vừa hôm trước, cũng đúng lô hàng đó lấy mẫu để thông quan, hôm sau cũng lại lấy mẫu đúng lô đó để đánh giá hợp quy. Chi phí mỗi lần hợp quy vắc xin là 20 triệu đồng/mẫu. Hợp quy một vắc xin mất tới 70 ngày. Tổng số vắc xin xếp hàng đợi hợp quy cũng là hàng ngàn loại, chưa kể phải tiêm trên hàng ngàn động vật. Đó là tột cùng của sự vô lý”, ông Bạch Quốc Thắng bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem