Đề xuất tăng giá điện: Doanh nghiệp lo lắng

Thứ sáu, ngày 21/10/2011 17:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Giá điện tăng dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kiềm chế lạm phát và đời sống, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế bày tỏ ý kiến trước đề nghị tăng giá điện của EVN.
Bình luận 0

Tỷ lệ tăng chung của CPI dưới 1%

Bà Lan nói: "Các bộ, ngành khi có quyết định tăng giá điện chính thức sẽ có những tính toán cụ thể về mức tăng, nếu là 11% sẽ làm tăng chỉ số giá (CPI) lên bao nhiêu phần trăm...".

Theo nhiều doanh nghiệp, nếu giá điện tăng 11% thì hoạt động của họ sẽ thêm khó khăn (ảnh minh họa).
img

Song bà Lan cho rằng, các cơ quan Chính phủ cần xem xét tính tác động của việc tăng giá điện theo nhiều phương án khác nhau để có cái nhìn tổng thể và cân nhắc việc tăng giá là bao nhiêu. Bởi, tác động của tăng giá điện không chỉ trực tiếp là bao nhiêu phần trăm tới từng lĩnh vực mà còn những tác động gián tiếp, vì giá điện làm cho giá cơ bản của sản xuất kinh doanh, của nền kinh tế tăng, kéo theo tác động tăng giá dây chuyền. Do đó, "lạm phát có thể cao hơn nhiều so với tính toán đơn thuần của các bộ, ngành" - bà Lan nói.

Theo bà Lan, đề nghị tăng giá điện hiện nay chỉ là để EVN trả nợ, thua lỗ cả những lĩnh vực không liên quan đến điện là vô lý với các doanh nghiệp đang sử dụng điện, với người tiêu dùng. "Chính phủ đang yêu cầu kiểm tra việc thực hiện giá bán điện, tại sao chúng ta không chờ kết quả rồi hãy kiến nghị tăng giá?" - bà Lan nói.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận của các ngành sử dụng điện. Theo tính toán, giá điện nếu tăng 11% sẽ chỉ tác động làm CPI tăng trực tiếp về mặt lý thuyết ở mức thấp. Song nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì tỷ lệ tăng chung lên CPI cao hơn, nhưng cũng dưới 1%. Cuối cùng, việc tăng giá thành bao nhiêu còn phụ thuộc việc quản lý, sắp xếp lại sản xuất, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lo tăng chi phí đầu vào

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN lo lắng, nếu tháng 11 tới giá điện tăng, sẽ kéo theo một loạt các chi phí đầu vào, rồi giá nhân công tăng... trong khi đó, ngành gỗ chúng tôi năm 2011 không thể tăng giá bán.

Theo ông Phan Văn Đông - Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang (chuyên xay xát) lúa gạo cho biết: “Giá điện tăng thì chi phí sản xuất của chúng tôi tăng lên là đương nhiên. Với mức tăng 15% của đợt tăng giá điện hồi tháng 3 vừa qua, chi phí sản xuất của chúng tôi đã tăng khoảng 10% rồi. Hiện lãi suất ngân hàng đang quá cao trên 20%/năm, doanh nghiệp đã phải gồng mình lên chống đỡ, nếu tăng giá điện cuối năm thì doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn”.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, giá điện nếu tăng 11% sẽ làm giá thành tăng ít nhất 3%. Đó là chưa kể việc tác động dây chuyền, sự tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu cần thiết khác. Giá phân bón tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến thu nhập của nông dân. Lĩnh vực chế biến thủy hải sản còn khó khăn hơn nếu giá điện lại tăng cuối năm nay.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, giá điện nếu tăng 11% sẽ làm giá thành tăng ít nhất 3%. Đó là chưa kể việc tác động dây chuyền, sự tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu cần thiết khác.

Ông Trương Thế Cường - Giám đốc Công ty CP Bao bì Bia – Rượu – Nước giải khát cũng phân tích: Giá điện tăng sẽ làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng trên cả hai góc độ.

Một là chi phí sử dụng điện của doanh nghiệp trực tiếp bị tăng do tăng giá. Hai là các nhà cung ứng vật tư nguyên liệu, dịch vụ vận tải… cũng tăng giá, do sản phẩm, dịch vụ của họ cũng bị tăng chi phí do giá điện. Việc các yếu tố đầu vào đồng loạt tăng giá sẽ ảnh ưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí sử dụng năng lượng tăng lên trực tiếp do tăng giá thì doanh nghiệp có khả năng chủ động kiểm soát được. Điều lo ngại là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng sẽ gây trở ngại không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chọn thời điểm phù hợp mới điều chỉnh

Trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức ngăn chặn lạm phát nhưng Tập đoàn Điện lực (EVN) lại đề xuất tăng giá điện, liệu có mâu thuẫn không, thưa Phó Thủ tướng?

- Đấy là chủ trương nhất quán, không có gì mâu thuẫn. Quan trọng là chọn thời điểm phù hợp, chứ không thể để giá điện mãi như thế được. Cũng vì có một số ý kiến cho rằng tăng giá điện là chưa phù hợp nên Chính phủ phải chọn một giải pháp hài hòa. Vấn đề quan trọng là giải quyết được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện. Hiện nay chúng ta đang thiếu điện, thiếu cả nguồn vốn đầu tư. Nhà đầu tư không tha thiết vì đầu tư vào điện là lỗ.

Liệu có chuyện EVN tăng giá bán điện để trả các khoản nợ cũ?

- Hiện EVN chưa hạch toán được hòa vốn. Nhưng không có chuyện tăng giá để bù đắp cho đầu tư ra ngoài của EVN.

Vậy từ nay đến cuối năm, Chính phủ có quyết định cho tăng giá điện không, thưa Phó Thủ tướng?

- Phải tính toán chứ chưa nói được ngay. Nhưng quan điểm là giá phải đi theo thị trường nhưng có tính đến tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Thực tế, dù được xem xét tăng 3 tháng/lần nhưng từ tháng 3 đến nay giá điện chưa điều chỉnh dù giá cả biến động rất nhiều.

Việc đầu tư ra bên ngoài của các doanh nghiệp, nhất là EVN, sẽ xử lý thế nào?

- Chính phủ đã kiên quyết không để đầu tư ra ngoài và sắp tới sẽ thắt chặt hơn nữa. Từ 2009 đến nay, Chính phủ không phê duyệt cho đơn vị nào đầu tư ra ngoài ngành nữa. Còn hiện nay, Chính phủ đang yêu cầu các đơn vị rút vốn. Trước đây, doanh nghiệp đầu tư là có lý do của họ, chẳng hạn, họ có hạ tầng kết hợp để làm. Nhưng đến nay thấy rằng không cần thiết nữa.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được Chính phủ triển khai, đặc biệt chú ý đến cổ phần hóa, nhưng thị trường cổ phiếu lại trầm lắng liệu có gây khó khăn cho việc này?

- Chúng ta không làm đơn lẻ mà phải đồng bộ các giải pháp, gồm cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư, tài chính ngân hàng. Cổ phần hóa một doanh nghiệp nhà nước lớn không phải là dễ, phải thận trọng. Trong đó, việc tìm nhà đầu tư chiến lược có năng lực, vị thế trên cả quốc tế không phải là dễ. Cổ phần hóa không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem