Đề xuất xử lý nợ xấu của ngân hàng chính sách không theo luật mà theo quy định của Chính phủ

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 13/05/2023 14:00 PM (GMT+7)
Tại hội thảo góp ý cho dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến đã đưa ra về tài chính xanh, quản lý dòng tiền, xử lý nợ xấu.
Bình luận 0
Đề xuất xử lý nợ xấu của Ngân hàng chính sách không theo Luật mà theo quy định Chính phủ - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Hồng Thúy, đại diện Nhóm công tác ngân hàng đại diện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (BWG). Ảnh: B.D

Theo ông Huỳnh Minh Sơn, Ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM, từ trước đến nay, việc xử lý nợ xấu, rủi ro tại ngân hàng chính sách đều thực hiện theo quyết định xử lý riêng của Chính phủ. Vì đối tượng của ngân hàng chính sách rất đặc thù, là những người yếu thế, khó khăn nên việc xử lý nợ xấu như thu hồi tài sản theo Luật các tổ chức tín dụng sẽ bất cập và không có tính nhân văn. Do vậy, ông Sơn đề nghị điều chỉnh trong dự án Luật các tổ chức tín dụng về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của ngân hàng chính sách theo quy định của Chính phủ thì sẽ phù hợp hơn.

Theo bà Phan Thị Hồng Thúy, đại diện Nhóm công tác ngân hàng đại diện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (BWG), thị trường phát thải carbon, tài chính xanh, môi trường và ESG đang trở thành xu thế tất yếu và quan trọng trong hoạt động sản xuất và tài chính, với sự phát triển rất nhanh của chính sách và luật áp dụng.

"Các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản đã bắt đầu thiết lập các hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu vào các nước này phải đáp ứng các tiêu chính về phát thải carbon và ESG. Kinh nghiệm và tiếp thu của các nhà sản xuất Việt Nam với vấn đề này còn hạn chế do kinh nghiệm thực tế và thông tin. Đây là mảng thông tin mà các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đang đi tiên phong và có kinh nghiệm quốc tế có thể hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam", bà Thúy cho biết.

Do đó, đề nghị ban soạn thảo dự án Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi xem xét bổ sung mảng tư vấn các vấn đề tài chính và quản lý liên quan đến phát thải carbon và tài chính xanh, môi trường và ESG vào nội dung các hoạt động của các ngân hàng. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động ngân hàng đầu tư mà nhiều ngân hàng trên ngân hàng trên thế giới đang làm nhằm tăng hiệu quả hoạt động, hỗ trợ khách hàng.

Bên cạnh đó, BWG cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng và bổ sung các hoạt động của ngân hàng mới khác mà các ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng như sản phẩm quản lý dòng tiền, hợp đồng chia sẻ rủi ro… vào các hoạt động kinh doanh khác. Điều này sẽ giúp ngân hàng cung cấp cho khách hàng các sản phẩm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đề xuất xử lý nợ xấu của Ngân hàng chính sách không theo Luật mà theo quy định Chính phủ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu. Ảnh: B.D

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung, cập nhật các dịch vụ mới như nghiệp vụ phái sinh để các ngân hàng có khung pháp lý triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời cần có giải thích rõ thế nào là nắm giữ bất động sản do xử lý nợ.

Đại diện ACB đề nghị sửa đổi khoản 3, Điều 90 Luật các tổ chức tín dụng theo hướng "các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật các tổ chức tín dụng thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, quy định của pháp luật hoặc tập quán quốc tế có liên quan".

Theo đó, các tổ chức tín dụng căn cứ vào Luật các tổ chức tín dụng được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh theo giấy phép hoạt động đã cấp theo quy định của pháp luật, tập quán quốc tế có liên quan trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước, pháp luật chưa có hướng dẫn.

Tại hội thảo, các ý kiến cũng tập trung góp ý đối với một số nội dung như việc xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn mua cổ phần….

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đề xuất dự thảo luật cần quy định rõ về phương thức giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, để tránh tình trạng vướng mắc, thiếu hành lang pháp lý như hiện nay…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem