Đem âm nhạc dân tộc đến công chúng

Chủ nhật, ngày 20/03/2011 12:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước tình trạng các giá trị âm nhạc dân tộc đặc sắc đang mai một, Bộ VHTTDL phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc VN đã triển khai dự án giới thiệu di sản âm nhạc của mọi miền đất nước đến công chúng.
Bình luận 0

“Hương sắc Việt Nam” bắt đầu công diễn tối 21-3 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội)...

Nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Xuân Bình của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người chịu trách nhiệm dự án, nhấn mạnh: Giới thiệu nghệ thuật âm nhạc dân gian thường không tránh khỏi tình trạng trùng lặp, nhưng trên tinh thần góp nhặt, gìn giữ và phát huy chắc chắn sẽ đem đến nhiều điều thú vị.

img
Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong giờ tập điệu múa Cơ Tu.

Hơi thở mới

Nghệ sĩ Xuân Bình cho biết, đây là một dự án "dài hơi" của Bộ VHTTDL và Nhà hát Ca múa nhạc, nên những giá trị âm nhạc đặc trưng gắn với từng vùng miền trên cả nước mang tính cộng đồng, dân gian, làng xóm sẽ được chọn lựa giới thiệu cho công chúng.

Không “bó buộc” chỉ những giá trị đã được UNESCO công nhận hay các thể loại quen thuộc như quan họ, ca trù, hát xẩm, hát chèo mà người nghe sẽ được tiếp cận với hát xoan, hát cọi, lượn, si, hò sông Mã, xòe Thái, sáo Mông...

Theo dự kiến, các chương trình giới thiệu các di sản âm nhạc dân tộc sẽ diễn ra thường kỳ hàng tháng, hàng quý, xuyên suốt từ Bắc vào Nam. Các di sản âm nhạc của miền núi, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ... và của 54 dân tộc anh em sẽ lần lượt được giới thiệu. Các chương trình sẽ mang tính chuyên đề hoặc tổng quát cao, được dàn dựng bài bản.

Tuy nhiên, trong chương trình chuyên đề, các tiết mục truyền thống chỉ chiếm 70% còn lại là các tiết mục có tính dàn dựng nâng cao. “Sự gìn giữ, kế thừa và nâng cao, đổi mới chính là điểm hấp dẫn người xem cũng như giảm thiếu tối đa việc trùng lặp và tính một màu” - ông Bình cho biết.

Nỗ lực khai thác giá trị gốc

Trình diễn đầy đủ các loại hình âm nhạc đặc trưng của các dân tộc là một khó khăn đối với các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc VN, bởi không phải loại hình dân gian truyền thống nào các nghệ sĩ cũng đều biết, nhất là với thể loại âm nhạc dân gian mang tính kinh điển này. Để các nghệ sĩ hiểu, thấm được cần có thời gian. Một khó khăn nữa là rất thiếu vắng tư liệu gốc và các nghệ nhân am hiểu...

Nghệ sĩ Triệu Việt Anh - phụ trách nhóm múa, chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng mời các nghệ nhân như NSƯT Phó Thị Kim Đức dạy múa Bài Bông, hay các nhà nghiên cứu, âm hiểu âm nhạc dân gian như nhạc sĩ Lương Nguyên dạy hát xoan, nghệ sĩ Việt Chiến ở Hà Giang về dạy tiết mục lượn, cọi...

Ngoài ra, dựa vào băng đĩa tư liệu, chúng tôi dàn dựng, phát triển các tiết mục dân gian đã từng biểu diễn. Anh em đều cố gắng nỗ lực để các tiết mục đem đến cho khán giả gần nhất, đúng nhất với giá trị truyền thống”. Những ngày này, các nghệ sĩ vừa tiếp cận, vừa tìm hiểu, nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ có nghề giảng giải, hướng dẫn...

Nghệ sĩ Hoàng Xuân Bình cũng nhấn mạnh thêm, về dự án không chỉ muốn đem những giá trị di sản âm nhạc dân gian truyền thống đến với công chúng nói chung mà còn chú trọng hướng đến đối tượng khách du lịch nước ngoài để quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.

Chương trình Hương sắc Việt Nam gồm 10 tiết mục giới thiệu tổng quát các nét văn hóa đặc sắc từ Bắc vào Nam. Chương trình có sự tham gia của trên 50 nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc VN) cùng một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ Lương Nguyên, NSƯT Tố Uyên...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem