Đếm gốc cây, bảo vệ rừng

Thứ sáu, ngày 14/06/2013 14:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng cùng vào rừng đếm gốc cây đã bị chặt. Nếu đến cuối mỗi quý, đếm lại mà số gốc đó không tăng thì hộ nhận khoán được trả tiền bảo vệ rừng, nếu tăng thì bị phạt hoặc bị hủy hợp đồng...
Bình luận 0

Đó là cách làm của Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương (chủ rừng) đối với 111 hộ và 25 nhóm hộ dân nhận khoán bảo vệ 9.100ha rừng trên địa bàn xã MàCooih, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cuối năm 2012.

img
Cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương và đồng bào nhận khoán đi kiểm tra thực địa khu rừng giao khoán để đếm gốc cây chặt.

Giao từng gốc cây

Ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương khẳng định: Nhờ cách làm này mà chúng tôi bảo vệ được rừng. Năm 2012, trước khi giao khoán bảo vệ, đã xảy ra 27 vụ phá rừng trên địa bàn xã MàCooih, trong đó có 21 vụ trong khung xử lý hình sự vì phá rừng diện tích lớn. Sau khi giao khoán bảo vệ rừng theo cách trên, 6 tháng qua, không xảy ra vụ phá rừng nào. Cũng theo ông Thịnh, nhiều năm qua, ban đã giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình thông qua Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, tuy nhiên hiệu quả bảo vệ rừng không cao.

“Nhưng từ khi Nghị định 99/2009 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, ngân sách bảo vệ rừng có một nguồn kinh phí không nhỏ từ nguồn chi trả của các nhà máy thủy điện thì việc giao khoán rừng mới thật sự bài bản, chu đáo, hiệu quả”- ông Thịnh cho biết. Nhờ có kinh phí, ban và các hộ nhận khoán trực tiếp vào rừng để xác định ranh giới từng lô rừng mà hộ nhận khoán bảo vệ. Tại đây, chủ rừng xác định vị trí cột mốc và chụp ảnh cột mốc cùng chủ hộ nhận khoán. Sau đó, hai bên tiến hành chia băng đếm từng gốc cây đã chặt và ghi vào biên bản giao nhận khoán. Đến cuối mỗi quý, hai bên lại vào rừng, chia băng đi đếm gốc cây chặt để biết số gốc đó có nhiều lên không để tính chuyện chi trả phí bảo vệ rừng hay phạt, hợp đồng tiếp hay hủy hợp đồng.

Gắn rừng với quyền lợi đồng bào

Theo ông Vũ Phúc Thịnh, từ khi Nghị định 99/2009 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, ngân sách bảo vệ rừng có một nguồn kinh phí không nhỏ từ nguồn chi trả của các nhà máy thủy điện thì việc giao khoán rừng mới thật sự bài bản, chu đáo, hiệu quả.

Trung bình mỗi hộ đồng bào xã MàCooih nhận bảo vệ 20ha rừng, theo quy định, nếu giữ tốt mỗi năm họ được 5,4 triệu đồng. Để có được chừng đó tiền, mỗi tháng, mỗi hộ phải tổ chức đi tuần tra canh giữ rừng ít nhất 3 lần để ngăn chặn lâm tặc phá rừng, ngăn chặn đồng bào địa phương xâm hại vào rừng. Anh A Lăng Trâm (thôn Tà Rèng) được biểu dương vì đi tuần tra rừng liên tục.

Anh cho hay: “Mình đi tuần tra nhiều vừa để giữ rừng vừa để thu hoạch lâm sản phụ bán lấy tiền. Trong 20ha rừng mà mình nhận khoán, mình có quyền lấy mật ong, mây, các loại nấm... để bán. Mỗi ngày vào rừng như thế, mình được hơn 100.000 đồng. Cộng với 5,4 triệu đồng nhận khoán, mỗi năm mình có được vài chục triệu đồng, hơn làm rẫy nhiều”.

Anh A Lăng Trách - Chủ tịch UBND xã MàCooih, cho biết: Nhờ có nhiều quyền lợi trong lô rừng giao khoán nên đồng bào nhận khoán thiết tha giữ rừng, và cũng không phải đi phá rừng để lấy đất sản xuất. Hiện tại, đồng bào kiến nghị cho phép được trồng thêm các loại cây dược liệu dưới tán rừng giao khoán để có thêm thu nhập...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem