Đến Hà Giang, đừng quên thưởng thức loạt đặc sản truyền thống này
Đến Hà Giang, đừng quên thưởng thức loạt đặc sản truyền thống này
Huy Hoàng (tổng hợp)
Thứ hai, ngày 01/05/2023 10:04 AM (GMT+7)
Hà Giang là mảnh đất "địa đầu Tổ quốc" với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những món ăn đặc trưng được làm theo cách truyền thống, mang đậm nét văn hóa bản địa. Du khách đến đây nhất định phải thử những món ăn này.
Hà Giang là mảnh đất từ lâu đã nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh, những cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng hay những địa điểm hút khách như cột cờ lũng Cú, sông Nho Quế, Nhà Vương, nhà của Pao, dốc Thẩm Mã, Mã Pí Lèng…
Không những thế, mảnh đất "địa đầu Tổ quốc" còn có nhiều món ăn, ẩm thực mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, có những món ăn được làm theo phong cách truyền thống rất độc đáo và hấp dẫn.
Phở Tráng Kìm - đặc sản của xã Đông Hà, huyện Quản Bạ được coi là món ăn sáng quen thuộc của những người đi chợ phiên, du khách đến Hà Giang, đặc biệt là dân lái xe đường dài.
Tên Tráng Kìm thực chất là một địa danh nằm trên con đường từ Quản Bạ vào Đồng Văn, giữa miền múi cao có con phố dài khoảng 100m dọc hai bên đường thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ.
Phở Tráng Kìm làm hoàn toàn bằng thủ công, bắt đầu từ công đoạn ngâm gạo và xay gạo bằng đôi tay của những người phụ nữ bằng những cối đá to, sau đó là được tráng trên những nồi to giống như tráng bánh cuốn.
Từng muôi bột được rải đều trên tấm vải căng ngang nồi nước, đậy vung cho kín, đợi một chút rồi dùng một dụng cụ tròn dài khéo léo cuộn bánh phở và gỡ ra phơi lên sào nứa treo trên cho khô một cách tự nhiên. Điều khá thú vị, khi bánh phở được phơi trên các sào nứa này, du khách cũng có thể thưởng thức ngay và chấm với nước mắm mà không cần qua khâu thái thành sợi. Sau khi bánh phở khô tự nhiên thì chủ quán mới gỡ xuống và thái nhỏ bằng tay.
Bột làm bánh phở ở đây được xay từ gạo trồng trên nương, không gia giảm phụ gia nên thành ra khá mềm. Nhưng nó đảm bảo, bánh phở hoàn toàn được chế biến nguyên chất từ tự nhiên.
Nồi nước dùng của phở tráng kìm trông cũng rất hấp dẫn, thơm phức bởi gừng, quế, hồi, thảo quả.
Nhắc đến món bánh cuốn thì hầu như ai cũng biết và đã được thưởng thức, tuy nhiên với món bánh cuốn chan ở Hà Giang lại là một món quà vặt có những vị riêng, cách ăn độc đáo. Theo chia sẻ của chủ quán bánh cuốn ở Đồng Văn, để có được một đĩa bánh cuốn thơm ngon, theo cách làm truyền thống, chủ quán phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu cầu kì và công đoạn chế biến phức tạp.
Từ việc ngâm bột qua đêm cho bột mềm cho tới nước gia vị cũng chế biến một cách khéo léo đầy tinh tế. Phần nhân bánh được làm từ nấm mèo của địa phương, thịt lợn đen của người Mông trộn lẫn với hành tươi, hạt tiêu và chút gia vị. Để bánh thêm thơm ngon, chủ quán rắc thêm mùi tàu và hành phi lên đĩa bánh nóng hổi khiến cho hương vị bánh cuốn Đồng Văn thêm thơm ngon, đậm đà và khác biệt.
Điều độc đáo và đặc biệt của món bánh cuốn chan chính là nước chấm. Nếu như bánh cuốn ở Hà Nội, nước chấm được pha từ mắm, đường, mì chính và chỉ vừa đủ chấm bánh cuốn thì ở đây, nước chấm được pha chế từ xương ống của lợn đen ninh lấy nước, rồi múc vào một bát canh nhỏ trong đó có thịt băm, rau mùi thơm, hành tươi tạo hương vị vừa thơm, vừa ngậy. Vào những ngày đông giá rét, bát nước chấm, chan nóng hôi hổi cùng với bánh cuốn đang còn bốc khói nghi ngút, là món quà vặt khoái khẩu, ấm người của du khách và đồng bào trên vùng cao nguyên đá này.
Du lịch Hà Giang: Cơm lam Bắc Mê
Có thể nói cơm lam Bắc Mê chính là một trong những đặc sản tinh túy của Hà Giang khi được chế biến từ những hạt gạo ngọc của trời đất, nơi những cánh ruộng bậc thang trở vàng ươm mỗi tháng 9.
Cơm lam không chỉ còn là một món ăn, mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vùng Đông Bắc. Món ăn có được sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa gạo nếp và hương tre, hòa quyện vào nhau khi nướng trên bếp than hoa.
Để làm ra một mẻ cơm lam Bắc Mê không quá khó nhưng điều quan trọng nhất đó chính là tìm được nguồn nguyên liệu thơm ngon. Đa số người dân ở đây đều tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có của Hà Giang để cho ra được món ăn này. Gạo phải là gạo nếp nương, thơm dịu nhẹ, dẻo, ngon, hạt chắc đều. Bên cạnh đó là là các ống tre, nứa trúc làm ống lam chứa gạo bên trong.
Ngoài ra, còn phải chuẩn bị cả phần nước để nấu cho gạo chín. Phần lớn nước sẽ được lấy từ khe núi, suối nguồn để trong, mát và vệ sinh. Nguồn nước cũng là yếu tố quan trọng để tạo ra độ dẻo cũng như mùi thơm đặc trưng cho món cơm lam này. Cuối cùng là chuẩn bị lá chuối hoặc lá dong để bịt một đầu của ống tre.
Cơm lam được đốt trên bếp than hồng, vừa đốt vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống, cứ như vậy trong khoảng 1 giờ, khi đầu ống tỏa ra hương thơm lừng cũng là lúc cơm đã chín và ngon.
Du lịch Hà Giang: Phở chua
Phở chua là một món ngon mà du khách không nên bỏ lỡ khi du lịch cao nguyên đá. Từ một món ăn chỉ dùng trong các đám cỗ của gia đình, ngày nay, phở chua đã trở thành điểm tâm không thể thiếu của nhiều người.
Phở chua được du nhập vào các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… từ rất lâu và đã trở thành món ăn đặc sản của vùng cao nguyên đá này.
Nguyên liệu để làm phở chua Hà Giang nhìn chung cũng không khác biệt so với các vùng khác. Chúng gồm có: Bánh phở, xá xíu (thịt lợn rán), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xưởng hoặc xúc xích tự làm. Trong đó, bánh phở phải là bánh tươi, làm từ loại gạo ngon, đem xay nhuyễn rồi tráng thật mềm.
Tuy nhiên, điểm cốt yếu tạo nên phong vị đặc biệt của phở chua Hà Giang là nước dùng được pha chế có vị chua ngọt. Thứ nước này là hỗn hợp gồm dấm chua, đường, bột sắn quấy sệt và một chút gia vị. Tất cả được trộn đều rồi đem đun sôi, quấy đều tay. Tùy bí quyết riêng của người làm mà các nguyên liệu có tỉ lệ pha chế khác nhau. Nước ngon phải đảm bảo được vị chua dịu, thanh mát.
Từng lát bánh phở dàn đều ra bát, phủ lên trên những miếng vịt quay vàng rộm, lạp xưởng cháy cạnh, xá xíu, thêm chút rau húng, đu đủ, lạc đập dập rồi rưới nước dùng, bạn đã có một bát phở chua ngon đúng điệu. Và để món ăn thêm trọn vẹn, du khách có thể uống kèm với vài chén rượu ngô.
Ngoài ra Hà Giang cũng còn có những món đặc sản như: Cháo ấu tẩu; rượu ngô; thắng cố; thắng dền; Bánh tam giác mạch; xôi ngũ sắc; lạp xưởng… cực kỳ hấp dẫn và độc đáo, du khách không nên bỏ lỡ khi đến với mảnh đất "địa đầu Tổ quốc" này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.