|
Trẻ em cũng theo người lớn đi lấy nước. |
Những ngày đầu tháng 5 này đi dọc theo tuyến đường hơn 140km từ thị xã Hà Giang qua huyện Yên Minh lên huyện Đồng Văn, chúng tôi bắt gặp cảnh trẻ em, người già, thanh niên nườm nượp... kéo xuống các hồ treo, khe suối cạn chờ hứng nước.
"Chắt” nước về bản
Chương trình xây hồ treo chứa nước trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng số 12 hồ, hiện nay 6 hồ đã hoàn thành có dung tích khá lớn, nhưng duy nhất 1 hồ ở xã Thài Phìn Tủng là còn nhiều nước. Lâu rồi ở đây không có mưa nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất ngày một trầm trọng.
Hồ treo Ha Bua Đa ở xã Thài Phìn Tủng có dung tích 10.000m3 , cung cấp nước cho bà con ở xã này và 3 xã gần đấy là xã Sà Phìn, Tả Phìn, Sính Lỏng, nhưng nước đã gần cạn. Suốt đêm ngày, bà con xếp hàng múc từng gầu nước đổ vào can gùi về bản. Nước trong hồ bị khuấy liên tục, sủi lên đục ngầu.
Anh Sở Mì Gì ở xã Sính Lỏng cách hồ treo 13km, mỗi ngày chỉ đem về nhà được 2 gùi nước để dùng cho 6 người trong gia đình. Anh tính nhanh, ngoài nước ăn, ở xã Sính Lỏng mỗi hộ có trung bình 2-3 con trâu bò, mỗi con cần 10 lít nước/ngày nên nước mang về dùng phải rất tằn tiện. Suốt ngày lo đi lấy nước nên anh chẳng còn làm được việc gì. Một số người có xe máy làm dịch vụ lấy nước, bán cho các hộ khác trong bản với giá 15.000-20.000 đồng/can 20 lít.
Chuyện tắm giặt là điều xa xỉ đối với bà con trong thời điểm khó khăn này. Giải pháp của các cô giáo cắm bản là gom quần áo, cuối tuần về trung tâm huyện giặt. Một lon nước dùng đánh răng hay gáo nước rửa rau, vo gạo được bà con gom lại đổ xuống máng cho trâu, bò, lợn uống...
Nguy cơ thiếu đói
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho đồng bào vùng cao núi đá, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ cho huyện Đồng Văn 200 triệu đồng để chuyển nước cung cấp cho một số cơ quan như trường học, trạm y tế, bộ đội biên phòng, cơ quan xã, thôn, bản.
Huyện Đồng Văn có 19 xã, thị trấn, tổng diện tích đất canh tác trên 14.500ha. Đất chen lẫn giữa những mỏm đá tai mèo lởm chởm, chỉ trồng được ngô, đậu tương, lạc.
Thời điểm này năm ngoái bà con đã cơ bản cày xong, sau Tết Nguyên đán là xuống giống. Năm nay vì thiếu mưa nên ruộng nương ở Đồng Văn vụ đông xuân phải dừng lại, nên nguy cơ thiếu đói rất cao. Cùng với đó đàn gia súc được dự báo có thể sẽ giảm đi nhiều, cho dù việc phát triển chăn nuôi đã được đưa vào nghị quyết của HĐND huyện.
Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo ở Đồng Văn vẫn còn 42%; Sản lượng lương thực toàn huyện đạt gần 20.000 tấn. Với thời tiết khô hạn như năm nay, dự báo sản lượng sẽ giảm 20%, theo đó số hộ đói nghèo, tái nghèo, cận nghèo cũng sẽ tăng.
Nếu thời tiết còn tiếp tục khô hạn trong những ngày tới, các nguồn nước cạn kiệt hết, "cơn khát" ở Đồng Văn nói riêng và 3 huyện vùng cao núi đá còn lại là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc ở Hà Giang sẽ càng khốc liệt hơn.
Quý Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.