Thái Nguyên: Nuôi gà ta thả vườn "đông như quân Nguyên", cho gà ăn thứ "cám lạ", lãi đều như vắt chanh

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 05/11/2021 13:01 PM (GMT+7)
Dù nuôi gà ta thả vườn với số lượng lớn, nhưng nhờ cho gà ăn men ủ tỏi kết hợp ngô ngâm, anh Nguyễn Đắc Phúc (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) vừa tiết kiệm chi phí mà chất lượng thịt gà lại thơm ngon. Quan trọng hơn, anh không phải mất ăn mất ngủ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù...
Bình luận 0

Anh Nguyễn Đắc Phúc (SN 1981, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ chăn nuôi gà ta thả vườn với số lượng lớn trên địa bàn xã. 

Với diện tích vườn đồi hơn 5ha, hiện gia đình anh đang nuôi hơn 9.000 con gà, gồm 5.000 gà con và 4.000 gà đến tuổi xuất bán.

Thái Nguyên: Cho gà ăn men ủ tỏi vừa nhàn vừa tiết kiệm mà chất lượng gà lại thơm ngon - Ảnh 1.

Trang trại nuôi gà ta thả vườn của anh Nguyễn Đắc Phúc (xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hà Thanh

Anh Phúc cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu nuôi gà từ năm 2005, ban đầu nuôi số lượng ít sau đó tăng dần số lượng lên. Đến năm 2010 bắt đầu nuôi với quy mô lớn". 

Theo anh Phúc, trong khoảng 3 năm (từ 2009 - 2012), anh nuôi gà bằng nguồn thức ăn ủ men vi sinh. Nuôi gà theo cách này, chất lượng gà ngon nhưng tương đối vất vả và tốn nhiều thời gian. 

Do đó, anh đã chuyển hướng sang nuôi gà bằng men ủ tỏi kết hợp với ngô ngâm. Cách chế biến thức ăn này do một người ở Phú Thọ bày cho anh. Thấy hiệu quả nên anh duy trì chăn nuôi gà bằng men ủ tỏi từ đó đến nay.

Anh Phúc chia sẻ, men ủ tỏi sẽ giúp cho gà tiêu hóa tốt và hạn chế được một số bệnh như hen, tiêu chảy... Ngoài ra, anh còn kết hợp cho gà ăn thêm ngô ngâm và một phần cám công nghiệp. Nhờ đó, chất lượng thịt gà thơm ngon hơn hẳn.

Thái Nguyên: Cho gà ăn men ủ tỏi vừa nhàn vừa tiết kiệm mà chất lượng gà lại thơm ngon - Ảnh 2.

Anh Phúc nuôi gà bằng thứ "cám" anh tự làm từ men ủ tỏi kết hợp ngô ngâm.(Ảnh: Hà Thanh)

Thành phần của men ủ tỏi gồm tỏi, rỉ mật đường kết hợp với nước. Sau 7 ngày ủ men tỏi là có thể cho gà ăn. Tỷ lệ cho gà ăn phụ thuộc vào độ tuổi của gà và tăng dần theo lứa tuổi. 

Anh Phúc thường bắt đầu cho gà ăn loại thức ăn này từ lúc gà đạt 20 ngày tuổi trở lên. Ban đầu, mỗi 1.000 gà sẽ cho ăn khoảng 50cc men ủ tỏi. Khi gà đạt 1 tháng tuổi tăng lên 100cc, cứ thêm 1 tháng tuổi lại tăng thêm 100cc.

Với mỗi lần ủ 20kg tỏi, 10kg rỉ mật đường và 1 bộ sản phẩm ủ men tỏi, 100 lít nước kết hợp với ngô ngâm, sẽ đáp ứng thức ăn cho khoảng 3.000 con gà. 

Cứ cho gà ăn 3 – 5 ngày men ủ tỏi lại ngưng 3 - 5 ngày, sau đó mới cho ăn tiếp. Loại men này có thể thay thế cho men tiêu hóa thông thường và một số loại kháng sinh.

Thái Nguyên: Cho gà ăn men ủ tỏi vừa nhàn vừa tiết kiệm mà chất lượng gà lại thơm ngon - Ảnh 3.

Bộ men ủ tỏi được anh Phúc dùng để kết hợp thức ăn chăn gà (Ảnh: Hà Thanh)

Khi gà ta thả vườn đạt khoảng 45 – 50 ngày tuổi, anh cho gà ăn thêm cám công nghiệp để gà phát triển đều. Tỷ lệ cám và ngô tăng giảm theo từng độ tuổi của gà. 

Ban đầu, gà 45 ngày tuổi sẽ cho ăn theo tỷ lệ 3 bao cám, 15kg ngô ngâm/1.000 gà, rồi giảm dần tỷ lệ cám công nghiệp và tăng tỷ lệ ngô ngâm. 

Việc cho gà ăn men ủ tỏi này sẽ giúp giảm một lượng lớn tỷ lệ cám công nghiệp, từ đó giảm chi phí đầu tư cho thức ăn nên lợi nhuận sẽ cao hơn. 

Thời gian nuôi gà của gia đình anh Phúc kéo dài từ 4 – 4,5 tháng/lứa. Trung bình mỗi năm, anh nuôi hai lứa và xuất bán khoảng 40 tấn gà. 

Với giá gà ở thời điểm hiện tại, cứ 1.000 con gà anh thu lãi khoảng 15 – 20 triệu đồng. Như vậy nếu giá cả ổn định, trung bình mỗi năm gia đình anh Phúc có thu nhập khoảng 300 – 350 triệu đồng từ nuôi gà thả đồi.

Thái Nguyên: Cho gà ăn men ủ tỏi vừa nhàn vừa tiết kiệm mà chất lượng gà lại thơm ngon - Ảnh 4.

Gà anh Phúc nuôi đến lúc xuất bán đạt trọng lượng trung bình từ 2 - 2,2kg/con. Ảnh: Hà Thanh

Ngoài nuôi gà ta thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phúc còn nuôi cá, trồng cây ăn quả và trồng rừng để có thêm thu nhập. 

Anh Phúc cho hay, trong thời gian tới, anh muốn thành lập HTX để xây dựng thương hiệu cho gà đồi Phú Bình. Đồng thời, anh sẽ phát triển chăn nuôi thuỷ sản theo hướng lâu dài.

Thái Nguyên: Cho gà ăn men ủ tỏi vừa nhàn vừa tiết kiệm mà chất lượng gà lại thơm ngon - Ảnh 6.

Ngoài nuôi gà thả đồi, anh Phúc còn thả cá, trồng cây ăn quả và trồng rừng. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Nguyễn Văn Huỳnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trước đây gia đình anh Phúc thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Từ khi được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh đã mở rộng và phát triển quy mô trang trại chăn nuôi, chủ yếu là gà. 

Khoảng 1, 2 năm trở lại đây, gia đình đã phát triển lên hàng vạn con gà ta thả vườn mỗi năm, mang về nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, gia đình anh Phúc đã thoát khỏi hộ nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang và sắm sửa được nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà.

"Đây là một trong 6 mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở địa phương và phát triển tương đối hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi thông qua quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng, địa phương còn tạo điều kiện cho hộ gia đình đi tham quan một số mô hình kinh tế ở tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất...", ông Nguyễn Văn Huỳnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem