Đến ngôi làng dưới chân núi Bà Đen dịp cuối năm, đến đầu làng đã có mùi thơm nức, vì sao vậy?

Trần Khánh Thứ hai, ngày 17/01/2022 19:07 PM (GMT+7)
Giáp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm làng nghề làm nhang ở phường Long Thành Bắc (thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) lại rộn ràng vào vụ chính.
Bình luận 0

Làng nhang Long Thành Bắc nằm kế bên Tòa thánh Cao Đài, dưới chân núi Bà Đen, đã có lịch sử gần 50 năm. Nhang của làng nghề Long Thành Bắc nổi tiếng xa gần.

Cực nhọc nghề se nhang

Ghé thăm phường Long Thành Bắc những ngày cuối năm, phóng viên Dân Việt thấy được không khí tất bật sản xuất nhang thơm để phục vụ tết. Người dân tận dụng hết những khoảng trống để phơi nhang khắp mặt sân, trên những con đường. Mùi thơm của nhang lan ra tận cổng nhà.

Ông Lê Văn Trung là một trong những hộ dân có thâm niên gắn bó với nghề làm nhang đã gần 40 năm. Ông Trung kể, trước đây, nhanh được se theo cách truyền thống. Bây giờ, các hộ dân đã chuyển sang thực hiện bằng máy để tăng năng suất và công việc cũng bớt vất vả hơn.

Để làm ra mỗi que nhang thì nguyên liệu gồm: Tăm nhang, bột áo và chất keo. Người thợ chỉ cần bỏ nguyên liệu được trộn đều và tăm vào trong máy là hoàn thành một cây nhang. Máy se nhang có thể sản xuất từ 100 - 150kg nhang mỗi ngày.

Làng nhang dưới núi Bà Đen tất bật làm vụ tết - Ảnh 1.

Người dân ở phường Long Thành Bắc làm nhang bằng máy. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Phước Ninh - Phó Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc cho biết, trong chiến lược phát triển, các làng nghề truyền thống sẽ gắn liền với phát triển du lịch ở địa phương. Chính quyền địa phương sẵn sàng tạo điều kiện về vốn để người dân có thể đầu tư sản xuất.

Trộn bột là công đoạn quan trọng nhất. Bột nhang phải nhuyễn thì cây nhang mới bóng đẹp. Vì nếu pha trộn không đúng cách, không nhuyễn thì nhang dễ bị vỡ, khi cháy sẽ không đều, mau tàn và hương nhang cũng không thơm. Rồi tới đoạn phơi nhang cũng phải để mắt thường xuyên mà trông chừng mưa nắng.

"Nghề làm nhang bây giờ đã có máy móc hỗ trợ nhưng người làm nhang phải thực sự yêu nghề và kiên nhẫn mới gắn bó được lâu dài" - ông Trung nói.

Ở làng nhang Long Thành Bắc đã có nhiều người bỏ nghề để làm những việc khác có thu nhập cao hơn. Chỉ còn lại vài hộ dân hoặc những người lớn tuổi như ông Trung còn giữ nghề làm nhang truyền thống.

Tất bật lo vụ nhang tết

Hiện tại, ông Trung vẫn sản xuất gia công theo đơn đặt hàng của thương lái. Một ngày bình thường, gia đình ông làm ra mỗi ngày khoảng 50kg nhang. Vài trăm ngàn đồng thu nhập có thể không cao nhưng cũng giúp ông trang trải cuộc sống.

Chỉ bắt đầu từ tháng 10 trở đi, người làm nhang mới bước vào vụ chính trong năm. Đây cũng là thời gian các hộ dân phục hồi sản xuất sau thời gian tạm ngừng vì dịch Covid-19.

3 tháng cuối năm, lượng nhang ông Trung làm ra có thể tăng từ 100-150kg/ngày. Mùa tết, người dân đi lễ chùa hoặc lên núi viếng Bà càng nhiều thì nhu cầu càng tăng. "Chỉ mong đến tết, dịch bệnh được kiểm soát để người làm nhang có thêm thu nhập" - ông Trung bày tỏ.

10 năm trước, bà Bùi Thị Huệ (ở khu phố Long Thời, phường Long Thành Bắc) rời Đồng Tháp lên Tây Ninh lập nghiệp. Bà xin học nghề làm nhang rồi gắn bó với nghề đến bây giờ. Hiện tại, bà đã có cơ sở làm nhang riêng. Không chỉ nhận gia công, bà thực hiện luôn công đoạn đóng gói bao bì để bán thành phẩm.

Bà Huệ cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12 là quãng thời gian làng nghề nhộn nhịp nhất. Lượng nhang làm ra nhiều, công việc cũng tất bật nhưng thu nhập nhập cao hơn ngày thường. Ai cũng trông chờ vào vụ tết, là vụ chính trong năm.

Mỗi ngày cơ sở của bà Huệ sản xuất 200kg nhang. Sau khi trừ hết chi phí vật tư và nhân công, bà có nguồ thu ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. 

Bà Huệ kể, nghề nhang lấy công làm lời. Nghề này khó giàu nhưng nếu chịu khó thì không lo thiếu ăn, thiếu mặc. 

Với bà, nghề nhang còn là cái duyên và tình yêu nên khó bỏ. Vì bây giờ, chi phí vật tư tăng cao; người làm nhang phải có vốn để mua máy móc. Việc bán nhang cũng phải chấp nhận giao hàng theo kiểu gối đầu. Lâu lâu, bạn hàng mới thanh toán theo từng đợt. 

"Cũng vì thế mà nhiều người không trụ nổi, phải bỏ nghề hoặc đi làm thuê cho các hộ khác" - bà Huệ kể.

Năm 2013, làng nhang ở phường Long Thành Bắc cùng với 3 ngành nghề khác trên địa bàn thị xã Hòa Thành được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận làng nghề truyền thống. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển. 

Thế nhưng, gần một thập niên qua đi, nghề làm nhang đang dần thu hẹp do hiệu quả kinh tế không cao; hoặc các hộ dân thiếu vốn sản xuất, khó tìm đầu ra. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem