Lâm nghiệp phải là chủ đạo
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang về kết quả thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng 4,9%. Trong đó, lâm nghiệp nổi lên là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là khi Tuyên Quang có gần 450.000ha đất lâm nghiệp, trong đó 1/3 là diện tích rừng trồng và tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 65%.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự đầu tư của Công ty CP Woodsland. Ảnh: Đình Quỳnh.
Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định: “Thế mạnh của Tuyên Quang chính là lâm nghiệp”. Trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp sáng tạo và cơ chế, tỉnh đã thực hiện việc giao đất cho dân, tổ chức để trồng rừng. Tỉnh còn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có lâm nghiệp.
Hiện, tỉnh đã thu hút đầu tư 5 nhà máy chế biến lâm sản (nâng tổng số lên 10 nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh); phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu (có trên 90% diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp liên doanh với hộ gia đình); thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích trên 18.000ha, thu nhập cao hơn từ 15-25 triệu đồng/ha.
Thăm Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) – một công ty sản xuất – xuất khẩu gỗ có tiếng với công suất 150.000m3/năm, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn tính toán, với 150.000ha rừng trồng, thay vì 5-6 năm khai thác, chúng ta để 10 năm, mỗi năm khai thác 15.000ha thì năng suất ít nhất đạt 1,5 triệu m3. Với lượng gỗ này, chúng ta có thể đáp ứng gỗ cho 5 nhà máy chế biến gỗ như Công ty Cổ phần Woodsland và tính giá bình quân 2 triệu/m3 thì ngành lâm nghiệp đạt khoảng 3.000 tỷ đồng”.
Phát triển nông nghiệp “đặc sản”
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở chăn nuôi của DABACO tại Tuyên Quang. Ảnh: ĐQ.
Cùng với lâm nghiệp, tỉnh Tuyên Quang xác định trong giai đoạn 2018 – 2020 sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa các sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: chè, cam, mía, lạc, gỗ rừng trồng, trâu, cá đặc sản gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Tính đến nay, Tuyên Quang có 37 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tăng 31 sản phẩm so với năm 2013. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho Cam sành Hàm Yên.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi ý: “Tỉnh Tuyên Quang cần định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp đặc sản, sạch, hữu cơ, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ”. Hiện nay, một số nông sản đã có thương hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường như: chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân; bưởi Xuân Vân... Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài như chè, gỗ...
Tỉnh đã mời gọi thu hút 24 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản với tổng số vốn cam kết trên 5.766 tỷ đồng, trong đó một số nhà đầu tư lớn như Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam đầu tư tổ hợp sản xuất giống, quy mô 60.000 gà bố mẹ và 4.800 con lợn nái; Công ty cổ phần Hồ Toàn đầu tư trang trại bò sữa quy mô 1.000 con…; hay mới đây Tập đoàn TH xin chủ trương đầu tư trang trại 20.000 con bò sữa và Nhà máy sữa công nghệ cao 300 tấn sản phẩm/năm.
Đoàn công tác cũng tặng bò giống cho người dân xã Thái Bình. Ảnh: ĐQ.
Trực tiếp đi thăm cơ sở nuôi 4.800 con lợn nái và 43.000 lợn thương phẩm của Tập đoàn Dabaco tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đang đầu tư chuồng trại và các hạng mục với công nghệ của Đức, Bộ trưởng biểu dương Tập đoàn Dabaco cùng tỉnh đầu tư vào chăn nuôi lợn theo đúng định hướng tái cơ cấu và mong muốn Tập đoàn phát triển trại giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường và tính bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực trong thu hút đầu tư, cũng như sáng tạo trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang. “Trung ương đánh giá rất cao cách làm, xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang, một tỉnh miền núi, xuất phát điểm không cao, có nhiều khó khăn nhưng bằng cách làm sáng tạo, tổng huy động tiềm lực của toàn xã hội, của người dân chúng ta đã có kết quả không chỉ hoàn thiện các thiết kế hạ tầng, phục vụ cho sản xuất, đời sống của nhân dân tỉnh Tuyên Quang mà còn trở thành một tấm gương sáng trong vượt khó đi lên”, Bộ trưởng nói.
Đến nay, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 2.771km đường giao thông nông thôn và 256km đường nội đồng. Đến thời điểm hiện nay, có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (cuối năm có thêm 6 xã nữa đạt chuẩn).
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đi thăm di tích Bộ Canh nông tại thôn Hoắc, xã Thái Bình, cùng các nhà tài trợ tặng 30 con bò giống cho 30 hộ nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.