Ông Bình lý giải: “Ai đời, người gửi tiền mặc cả với ngân hàng, và lãi suất được quyết theo giá… thỏa thuận. Báo chí đã nói nhiều về chuyện này, nhưng chỉ nói được một phần nhỏ. Lần này, để bảo đảm trần lãi suất vốn huy động không vượt quá 14%, chúng tôi sẽ phải dẹp… “chợ” ngân hàng”.
Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19%/năm thì nhất thiết phải quy định trần lãi suất vốn huy động không vượt quá 14%/năm. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố mạnh mẽ: “Sẽ đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất huy động”.
Xin nói ngay, sở dĩ có tình trạng “họp chợ ngân hàng” như thế vì tình trạng lạm phát cao, và vốn huy động của nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng. Người gửi tiền ngân hàng không còn mặn mà với lãi suất “rùa” trong khi trước mắt mình là lạm phát “thỏ”.
Người ta đổ đi mua vàng, và cảm thấy dễ kiếm lời hơn việc gửi tiền cho ngân hàng lấy lãi suất rất nhiều, vì giá vàng liên tục biến động, thậm chí “nhảy sóng” qua từng ngày. Trong tình hình đó, nhiều ngân hàng đã phải “xuống nước” năn nỉ với khách gửi tiền, thậm chí chấp nhận mặc cả lãi suất tiền gửi. Mục đích cũng là “cho qua đận nghèo” kẻo… phá sản.
Nay thì tình hình lạm phát đang dần dần được kiểm soát, và năm 2012 hứa hẹn sẽ giảm lạm phát, tiến tới giảm xuống còn một con số. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nói chung, và cho ngành ngân hàng nói riêng, bởi khi lạm phát được kiểm soát, thì trần lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm xuống còn 17-19%, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất “chịu được” như thế, công việc kinh doanh sản xuất sẽ tái khởi động ở diện rộng và chiều sâu, và như thế nền kinh tế sẽ có sinh khí để tăng trưởng bền vững.
Nhưng phải thấy rằng, ngành ngân hàng là ngành “buôn tiền”, có đầu vào là tiền gửi và đầu ra là tiền cho vay, nên lãi suất ở cả hai đầu phải được cân đối một cách hợp lý thì ngân hàng mới tồn tại được. Bởi vậy phải tới đúng thời điểm này thì mới có khả năng “dẹp chợ” ngân hàng, thế nhưng, nếu không quyết liệt thì cũng khó mà “dẹp” tận gốc và trả lại mặt bằng kinh doanh trung thực cho ngành ngân hàng. Vì phải đề phòng khả năng người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng để mua vàng, đầu tư chứng khoán. Bây giờ thì cũng chỉ có thể mua vàng, đầu tư chứng khoán chứ ít ai dám đầu tư bất động sản.n
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.