Deutsche Bank cải tổ, số phận 7.100 tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Lê Thúy (Etime) Thứ ba, ngày 09/07/2019 12:53 PM (GMT+7)
Cuộc cải tổ của Deutsche Bank (Đức) tác động thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mà ngân hàng này đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua quỹ FTSE Vietnam ETF khoảng 7.100 tỷ đồng. Điều đáng nói, danh mục mà FTSE Việt Nam đang nắm giữ đều là cổ phiếu nằm trong rổ VN30 như VCB, MSN của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vương, HPG của ông Trần Đình Long...
Bình luận 0

Deutsche Bank (Đức) vừa mới tuyên bố sẽ tiến hành 1 loạt các thay đổi trong thời gian sắp tới nhằm giảm 25% chi phí của doanh nghiệp đến năm 2022 và đạt RoTE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là 8%. Đồng thời cắt giảm 18.000 nhân sự cho tới năm 2022. Đây được coi là cuộc cải tổ mang tính nền tảng nhất với ngân hàng trong hàng thập kỷ qua.

Cải tổ mang tính tất yếu

Thành lập năm 1870, Deutsche Bank từng là biểu tượng cho sức mạnh nền kinh tế Đức. Với quy mô toàn cầu, Deutsche Bank cung cấp hầu hết các dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, quản lý tài sản…

img

Với riêng bộ phận quản lý tài sản, Deutsche Bank cũng là ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thế giới thông qua công ty con là DWS Group. Hiện công ty quỹ này quản lý khối tài sản 704 tỷ euro tính đến 31/3, tại 15 quốc gia.

Nhìn nhận về cuộc "đại phẫu" này, bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, việc ngân hàng trở thành siêu thị tài chính hay ngân hàng đơn năng luôn là cuộc giằng co diễn ra nhiều chục năm nay. Khi nền kinh tế hưng thịnh các định chế tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại có xu hướng mở rộng ra các hoạt động khác như chứng khoán (ngân hàng đầu tư) và bảo hiểm, vì đây là những mảng hoạt đông đem lại lợi nhuận kỳ vọng cao hơn hoạt động ngân hàng thương mại truyền thống.

img

Bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuy nhiên, khi nền kinh tế suy thoái, những mảng hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận nhất lại tiềm ẩn nhiều tổn thất nhất. Do đó, xuyên suốt lịch sử hệ thống ngân hàng toàn cầu đều nhìn thấy được xu hướng sát nhập/mở rộng các mảng hoạt động khi hưng thịnh, và cải tổ/cắt giảm khi suy thoái.

Cũng chính vì thế, việc cải tổ mang tính sâu rộng của Deutsche Bank lần này là tất yếu trong bối cảnh kinh tế Châu Á có những dấu hiệu tăng trưởng chậm, cộng với những vấn đề nội tại của Deutsche Bank.

Được biết, Deutsche Bank từ lâu đã trượt dài trong những khoản lỗ, nhất là sau khi dấn thân vào hoạt động ngân hàng đầu tư. Năm 2008 đến nay được coi là thập kỷ lỗ ròng của ngân hàng Đức này. Chỉ tính riêng trong 12 tháng qua, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm hơn 25%.

Không chỉ gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Deutsche Bank cũng khó giữ thế độc tôn trong chính ngành ngân hàng Đức, khi năng lực đầu tư không còn dồi dào và các ngân hàng đối thủ Mỹ đang vươn bàn tay đến Châu Âu. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, đại gia ngân hàng Đức đã thất bại 3 lần trong các đợt stress-test kiểm tra năng lực chịu đựng rủi ro của Cục Dự trữ Liên Bang. Deutsche Bank vượt qua lần stress-test gần đây nhất, nhưng điều đó không làm giảm đi sự quan ngại từ phía các nhà quản lý cũng như thị trường.

Hưởng lợi thêm trong tương lai

Tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động ngân hàng truyền thống, Deutsche Bank tham gia đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) và Vietnam Phoenix Fund Limited (tiền thân là DWS Vietnam Fund).

FTSE Vietnam ETF là quỹ đầu tư chỉ số (quỹ hoán đổi danh mục – ETF) đầu tiên tại Việt Nam được Deutsche Bank AG thành lập vào tháng 1/2008. Theo dữ liệu từ Bloomberg, quỹ FTSE Vietnam ETF hiện quản lý gần 305 triệu USD (tương đương 7.100 tỷ đồng), tăng 5,86% trong 1 năm qua.

Đây cũng là quỹ có ETF lớn thứ 2 đang hoạt động trên TTCK Việt Nam bao gồm 20 cổ phiếu Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, FTSE Vietnam ETF đã phát hành lượng chứng chỉ quỹ trị giá 30 triệu USD.

img

Danh mục FTSE Vietnam ETF do Deutsche Bank quản lý

Trong đó, nhóm cổ phiếu Vingroup (Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VNM của Vinamilk, MSN của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, HPG của ông Trần Đình Long… là những khoản đầu tư lớn nhất, đều chiếm trên 10% giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.

Bên cạnh quỹ đầu tư thụ động FTSE Vietnam ETF, Deutsche Bank còn quản lý Vietnam Phoenix Fund Limited, chuyên đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu. Hiện, Vietnam Phoenix Fund quản lý tổng cộng 150 triệu USD, tương đương gần 3.500 tỷ đồng.

Nhận định về tác động từ cuộc cải tổ của Deutsche Bank tới thị trường Việt Nam, một cựu phó Tổng giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam, nhận định những cải tổ của Deutsche Bank sẽ có những tác động nhất định tới nền tài chính của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng nhưng sẽ không nhiều.

“Sau hơn 20 năm về Việt Nam, Deutsche Bank cũng không phải là một ngân hàng thực sự có tầm ảnh hưởng mạnh hay có ảnh hưởng chi phối tại thị trường Việt Nam trong cả 2 mảng chính là mảng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Chính vì vậy, nếu họ thu hẹp hoạt động thì sẽ không quá ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán của Việt Nam. Nếu có, tác động nhãn tiền có thể kể đến đó những tác động từ tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường trong ngắn hạn”, vị cựu phó Tổng giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam nhấn mạnh.

img

Đồng quan điểm, bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân), cũng cho rằng nếu Việt Nam nằm trong kế hoạch cải tổ của Deutsche Bank thì ngắn hạn sẽ có những biến động. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào danh mục mà FTSE Việt Nam đang nắm giữ đều là những hàng hoá tốt như VCB, MSN của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, HPG của ông Trần Đình Long... nên dài hạn sẽ khó có tác động tiêu cực.

Còn theo nhận định của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong thông báo chuyển đổi, Deutsche Bank cho biết vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới. “Do đó, có thể nói quỹ X-tracer FTSE Vietnam Swap ETFs (FTSE Vietnam ETF) sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tái cơ cấu này mà ngược lại có thể sẽ được hưởng lợi thêm trong tương lai”, báo cáo của BVSC nêu rõ.

Phân tích thêm về chiến lực cải tổ của của Deutsche Bank, ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp MBS, thừa nhận sẽ không có chuyện Deutsche Bank đóng quỹ FTSE Vietnam ETF.

“Họ xác định đang làm ăn tốt, sản phẩm đang bán chạy thì không có chuyện Deutsche Bank đóng quỹ. Thay vào đó, họ sẽ sang tên" FTSE Vietnam ETF cho những công ty có liên quan (BNP Paribas). Khi chuyển sang một đối tác khác, hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục được duy trì”, ông Đức phân tích.

“Chúng ta biết rằng, Deutsche Bank rơi vào thua lỗ từ 2 năm trở lại, nên có thể hoạt động của họ trong thời gian qua không được chú trọng mà chỉ đơn thuần là duy trì. Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động của FTSE Vietnam ETF từ đầu năm đến này kém so hơn với một số quỹ của Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do công tác quản trị, do niềm tin của khách hàng sụt giảm… Đến nay khi được sang tay cho đối tác mới, làm ăn chỉnh chu hơn sẽ “hút” được nhiều vốn từ các nhà đầu tư…Đó có thể là món lợi nhìn thấy trong tương lai”, ông Đức nhấn mạnh thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem