Đông khối A, thưa khối C, ngập ngừng khối A1
Thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân, Long Biên cho biết: trường bắt đầu thu hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của HS vào ngày 7.4 tới đây. Dự báo, đa phần khối A sẽ được đông đảo HS lựa chọn nhất, tiếp đến là khối D, khối C gần như không có.
Thầy Nguyễn Văn Thùy, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Tộ cũng cho biết, năm học này, trường có trên 100 học sinh lớp 12. Đa số HS nộp đơn dự thi khối A, khối A1 chỉ chiếm khoảng 5-10%, khối C cũng khá ít, chỉ khoảng vài hồ sơ.
|
Ảnh minh họa |
Theo thầy Nguyễn Hà Động, hiệu trưởng trường THPT Hà Nội nhìn chung năm nay, xu hướng chọn khối thi, ngành nghề của HS không có nhiều khác biệt. Đa phần các em vẫn “chuộng” những ngành hot như kinh tế, tài chính thuộc khối A.
Năm nay, Bộ GD -ĐT giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Thay vì có nguyện vọng 2, 3, các trường ĐH sẽ xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu và không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước.
Tuy nhiên, thầy Động cho rằng, thay đổi này tuy “thêm cơ hội” cho thí sinh (TS), nhưng cũng là một khó khăn. “Học sinh của chúng tôi đã quen và chuẩn bị tinh thần của quy chế thi cũ, nay lại thay đổi nên HS có phần lúng túng”. Ông Động cho rằng, TS năm nay cần phải theo dõi rất kỹ thông tin, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường ĐH để có thể kịp thời “dịch chuyển” hồ sơ từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Theo thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, năm nay, dự báo TS dự thi khối A1 có thể không nhiều. “Đây là khối thi mới nhưng do Bộ GD-ĐT thông báo quá gấp nên nhiều TS không kịp trở tay. Học thêm một môn như ngoại ngữ để thi khối A1 trong thời gian 3,4 tháng là rất khó”.
Không nên ham… thi nhiều khối
Để tăng cơ hội đỗ, TS có xu hướng thi nhiều khối. Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Đại, việc thi nhiều khối chỉ phù hợp với TS nào có học lực thật giỏi, nắm chắc, học đều các môn. Còn theo ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay, trừ trường hợp khối A và A1 thi cùng đợt, các TS muốn kết hợp khối thi có thể nộp hồ sơ thi các khối có “họ hàng” và ngày thi gần với nhau.
Chẳng hạn TS thi khối A (Toán, Lý, Hóa) có thể học thêm môn Sinh học để đăng ký thi thêm khối B (Toán Hóa Sinh). Hoặc TS thi khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) thì học thêm môn văn để thi khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là nên ôn thi tốt một khối.
Thí sinh Bắc “Nam tiến”
Một vài năm gần đây, nhiều TS phía Bắc chọn “nam tiến” thi ĐH, CĐ. Năm 2011, tại một số khu vực như Thanh Hóa, có trên 10.000 bộ hồ sơ dự thi vào các trường ĐH, CĐ phía Nam. Nghệ An cũng có gần 20.000 bộ hồ sơ “nam tiến”. Tại một số trường ĐH như ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, số hồ sơ của TS phía Bắc cũng chiếm khoảng 7-8000 bộ. Nguyên nhân vì điểm tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam thấp hơn khu vực phía bắc trung bình từ 1-2 điểm.
Chẳng hạn, năm 2011 ĐH Luật Hà Nội có điểm chuẩn khối A: 17,5; khối C: 20 điểm; khối D1: 18 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn cao nhất của trường Luật TP HCM chỉ là 17,5 điểm-bằng điểm khối thấp nhất của trường phía Bắc. Hay như ĐH Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế đối ngoại, khối A lấy 26 điểm, trong khi đó cũng chuyên ngành này ở cơ sở phía Nam chỉ là 24 điểm. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng TS phía Bắc có phần nhỉnh hơn so với lực học của HS phía Nam. Vì thế, TS Bắc “nam tiến” cũng góp phần cải thiện chất lượng nguồn tuyển phía Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hà Động, không phải bao giờ “nam tiến” cũng là giải pháp tốt. TS khi quyết định “nam tiến” nên tính đến một số khó khăn như phải thi và học xa nhà, thiếu thốn tình cảm và chi phí sinh hoạt cũng sẽ tốn kém. Còn với ông Đặng Đình Đại, “nam tiến” có thể giải quyết được việc “đỗ trượt” trước mắt cho TS. Nhưng, TS nên tính đến cả tương lai lâu dài như cơ hội việc làm sau khi ra trường ra sao? TS có chấp nhận lập nghiệp xa nhà không.
Ông Động cho biết vài năm gần đây đang có xu hướng rất đáng được hoan nghênh. Đó là nhiều HS phổ thông đã khá thực tế trong chọn lối vào đời.Tại trường THPT Hà Nội, có TS đã không thi ĐH mà đăng ký ngay vào trường CĐ và thậm chí là trường nghề. Tại trường THPT Vạn Xuân, nhiều HS xác định rõ không đủ sức vào ĐH nên tập trung ôn thi tốt CĐ. Nhiều cha mẹ cũng xác định cho con thi vào trường gần nhà, vừa sức hơn là đeo đuổi những mục tiêu xa vời.
Chú ý những ngành sắp “ế”
Bộ GD-ĐT vừa công khai cơ cấu ngành nghề trong đào tạo. Theo đó, năm 2011 các khối ngành kinh tế chiếm áp đảo về số lượng thí sinh nhập học. Có 248/416 trường (tỉ lệ 59,62%) tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Bình quân trong ba năm (2009-2011), số thí sinh đăng ký vào bốn ngành này đã chiếm xấp xỉ 41% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Theo ông Nguyễn Văn Áng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, nếu tình trạng “đổ xô kinh tế” còn kéo dài thì sẽ không tránh khỏi tình trạng “thừa” nhân lực đối với thế hệ TS thi ĐH năm 2012 và ra trường vào 4,5 năm tới. Vì thế, TS trước khi nộp hồ sơ dự thi ĐH cũng nên cân nhắc dự báo này để tránh tình trạng khó tìm việc trong tương lai.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.