Chị “lồng ghép”
Chị Mang Thị Điền, dân tộc Rắc-glây là Chủ nhiệm CLB Nhóm phụ nữ lồng ghép xóm Bằng (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc, Quảng Ngãi). Phụ nữ dân tộc chị ít được học hành, chủ yếu làm nương rẫy, trồng hành tỏi, khoai sắn. Công việc của họ phụ thuộc vào ông trời nên nhiều năm mất mùa, thu nhập thấp.
CLB Lồng ghép do chị đứng đầu với mục tiêu trở thành một “kênh” tuyên truyền giữa phụ nữ cùng dân tộc với nhau về nhiều vấn đề như: Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc con, làm kinh tế. Lúc đầu, CLB chỉ có 20 thành viên, nhưng các chị thấy “ưng cái bụng” nên đã có thêm 30 chị nữa cùng tham gia.
Do chị em thường lên rẫy nên hàng ngày, chị Điền cũng phải lên rẫy để tìm chị em tuyên truyền, có khi vừa tuyên truyền, vừa làm rẫy, chăm con cho họ. Chị Điền mong chị em người dân tộc có cơ hội vay vốn, được học làm ăn để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả hơn.
Bỏ hát, về làm thổ cẩm
Phù Thị Thiên (SN 1985, dân tộc Pà Thẻn ở Quang Bình, Hà Giang) nổi bật tại đại hội với váy áo do chị tự dệt, tự thêu. Cô gái xinh đẹp này là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, nhưng giờ là Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm xã Tân Trịnh.
Chị cho biết, cuộc sống của người Pà Thẻn rất khó khăn, nghề mà chị em giỏi nhất chính là thêu thùa, may vá. Thấy giá trị nổi bật của những sản phẩm do chị em quanh làng làm ra, năm 2008, chị đứng ra vận động chị em dệt giỏi thành lập HTX Dệt thổ cẩm Mỹ Bắc.
Sản phẩm được nhiều du khách ưa thích, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, trở thành HTX Dệt thổ cẩm đầu tiên của huyện Quang Bình. Hiện nay, HTX có 14 thành viên. Ngoài ra, chị còn mở lớp đào tạo cho 30 chị em khác để họ làm tại nhà, cung cấp sản phẩm cho HTX. Hàng tháng, mỗi chị em có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
“Bà con đã biết tiêu tiền”
Đó là niềm vui của chị Măng Thị Yến, dân tộc Chăm - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vân Canh, Bình Định. Dăm năm trước, khi vận động cho chị em vay vốn dành cho người dân tộc vùng sâu, mỗi chị em được vay 2 triệu đồng, nhưng đều về cất vào gùi và 3 năm sau lại trả “nguyên đai nguyên kiện”.
Rút kinh nghiệm, chị Yến xuống từng xã, xem thế mạnh của từng chị em, sau đó cùng với cán bộ xã cầm tay chỉ việc cho chị em làm kinh tế. Từ việc nuôi bò, trồng mì, trồng mía rồi mở rộng trồng rừng, trồng keo, nhiều hội viên đã thu lời gấp đôi, gấp ba số tiền được vay. “Nghe họ báo cáo mà mừng hơn là nhặt được tiền” – chị Yến cười hồn hậu.
Khi sinh con, chị em cũng đã chịu khó làm khai sinh để con được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, được cấp tiền khi đi học. Hiện Hội Phụ nữ huyện Vân Canh có hơn 5.000 hội viên, cuộc sống của các chị em đang khấm khá lên từng ngày.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.