Di chúc Bác Hồ và ý nghĩa to lớn trong xử nghiêm cán bộ Đảng vi phạm

Thành An Thứ bảy, ngày 18/05/2019 09:34 AM (GMT+7)
Đã 50 năm, kể từ ngày bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, những giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn còn nguyên giá trị. Một nội dung cốt lõi, bao trùm lên tất cả trong Di chúc đó là phần viết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Bình luận 0

Trò chuyện với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, ý nghĩa của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa. Đó là những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng; là những vấn đề thực tiễn nhưng được đúc kết có giá trị lý luận lớn. 

img

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng, trí tuệ và niềm tin cho thế hệ ngày hôm nay tiếp bước con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.

Chú trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra hàng loạt vấn đề lớn lao của cách mạng Việt Nam. Di chúc như một giá trị định hướng chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Những mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn và tương lai của đất nước, của các vấn đề cần quan tâm của Đảng với Nhân dân đều được thể hiện trong di chúc.

"Ngày nay, khi suy nghĩ về cuộc đấu tranh chống suy thoái càng phải suy ngẫm lại di chúc của Bác. Quả thật, có thời kỳ chúng ta chưa chú trọng về công tác giáo dục cán bộ, Đảng viên. Có những đảng viên từ suy thoái về đạo đức lối sống dẫn tới phai nhạt lý tưởng, con đường, cộng với sự phá hoại từ bên ngoài dẫn tới sự chông chênh, chao đảo", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

Thứ nhất, Di chúc có nói về việc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc, sự thật, chúng ta đã thực hiện được việc này - mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà.

Vấn đề thứ hai, là việc xây dựng đất nước, từng đường đi, nước bước của đất nước sau chiến tranh như Bác Hồ mong muốn đó là xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. 

Thứ ba, là giải quyết những vấn đề xã hội đối với từng tầng lớp nhân dân. Nhân dân bao nhiêu đời chịu gian khổ, hi sinh, từ ngày có Đảng thì đi theo Đảng làm cách mạng. Do đó, sau ngày thắng lợi Đảng phải quan tâm tới các tầng lớp nhân dân. Từ công nhân, nông dân, các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, trí thức, những người có công, những người yếu thế... Phải hết sức chú ý tới vấn đề con người. Đó là những điều rất nhân văn được thể hiện trong di chúc của Bác. 

Thứ tư, đó là xung quanh vấn đề đào tạo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau để có những lớp người thừa kế, xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên. Một vấn đề lớn nữa là xung quanh vấn đề quan hệ quốc tế, giữ tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế. 

Và cao hơn hết, một nội dung được nhấn mạnh, bao trùm lên tất cả đó là vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bác căn dặn rất kỹ về việc này trong Di chúc của mình.

"Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng có 3 vấn đề lớn mà Di chúc Hồ Chí Minh đặt ra. Đó là, phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng cho tốt; phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, tự phê bình, phê bình cho tốt, sữa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tạo ra sức mạnh cho Đảng; phải rèn luyện đạo đức cách mạng", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

img

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: Thành An)

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trong thực tiễn cách mạng, bên cạnh những mặt tốt, mặt đúng đắn đã xuất hiện những biểu hiện những tiêu cực, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ Đảng viên. Tâm lý hưởng thụ, về vun vén lợi ích riêng đã xuất hiện. Bác Hồ đã nhìn trước được điều này do đó trong Di chúc Bác căn dặn, việc trước tiên sau thắng lợi là phải chỉnh đốn Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy những nguy cơ đó, sau thắng lợi dễ kiêu ngạo, dễ tâm lý hưởng thụ cho nên sẽ dẫn tới những việc như tham ô, tham nhũng, xa rời quần chúng nhân dân. 

Điều này càng có ý nghĩa thực tiễn đối với công cuộc xây dựng Đảng ngày nay. Các thế lực thù địch cũng dựa vào những biểu hiện tiêu cực, những biểu hiện suy thoái, lợi dụng khuyết điểm của cán bộ để xuyên tạc, nói xấu. Và điều quan trọng nhất dẫn tới mất niềm tin vào Đảng.

“Theo đó, Người nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng thật trong sạch”, ông nói.

Xử lý nghiêm, làm trong sạch Đảng

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, năm 1969, khi Bác mất, cả nước ta có khoảng hơn 1 triệu đảng viên. Khi kháng chiến toàn thắng năm 1975 chúng ta có khoảng 1,5 triệu Đảng viên. Cho tới bây giờ cả nước có khoảng gần 5 triệu Đảng viên. Xét về mặt số lượng, công tác xây dựng Đảng qua 50 năm qua đã có một bước tiến lớn. Số lượng Đảng viên đã lớn hơn rất nhiều. Trong số đó, đại đa số giữ được phẩm chất như Nghị quyết TƯ 4 khóa XII đã nhận định. Đại đa số đảng viên giữ được phẩm chất đạo đức, lý tưởng, mục tiêu cách mạng, phấn đấu. Tuy nhiên có một bộ phận suy thoái.

Đáng chú ý, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã nêu ra 27 biểu hiện tiêu cực suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các thế lực thù địch lợi dụng vào những điểm đó chống phá Đảng rất quyết liệt. Tiến công vào vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa. Lợi dụng những khuyết điểm của cán bộ này, cán bộ khác để xuyên tạc, bóp méo, nói xấu Đảng.

img

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Khi ta đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc nhất vẫn là đạo đức. Đạo đức là cái gốc của người cách mệnh. Bác viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Suy nghĩ về cuộc đấu tranh chống lại những suy thoái trong Đảng hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại Di chúc của Bác”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đề cập đến việc chỉnh đốn Đảng, theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, những năm qua chúng ta cũng đã thực hiện những đợt chỉnh đốn Đảng rất nghiêm túc. 

Có thể kể tới như năm 1974, trước khi đi vào trận chiến cuối cùng giành thắng lợi, chúng ta thực hiện rất tốt Nghị quyết Trung ương 23 khóa III. Sau khi đất nước thống nhất, đi vào đổi mới, chúng ta cũng có những nghị quyết rất quan trọng khác về xây dựng Đảng, tại Đại hội VI năm 1986 Đảng ta đã có bước chỉnh đốn Đảng rất nghiêm, chỉnh đốn nhiều mặt trên cả tư duy, nhận thức trong chính sách, chủ trương đi đến hoạch định đường lối đổi mới. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII năm 1992 hay Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII năm 1999 đó là những đợt sinh hoạt, chỉnh đốn Đảng rất cơ bản.

Gần đây chúng ta có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI năm 2012 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII năm 2016. Đó là những nghị quyết rất cơ bản về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Điều này cho thấy công tác chỉnh đốn Đảng được chúng ta thực hiện thường xuyên qua các thời kỳ khác nhau. Đội ngũ Đảng viên ngày càng tăng lên nhưng đồng thời chúng ta cũng đã phải xử lý kỷ luật nhiều cán bộ Đảng viên thoái hóa, biến chất. Việc này như một động tác rất mạnh mẽ trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh như mong muốn trong Di chúc của Bác Hồ.

Nếu tính từ năm 2012 bắt đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến lúc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII năm 2016, chúng ta đã xử lý kỷ luật một con số rất lớn lên tới 74.000 cán bộ, Đảng viên. Tính từ đầu khóa XII tới giờ chúng ta xử lý hơn 60 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương… 

“Chưa bao giờ chúng ta xử lý nhiều tới như vậy. Trước đây chúng ta chủ yếu xử lý ở cán bộ cấp thấp nhiều hơn còn cán bộ cấp cao ít bị xử lý”, ông Phúc nói và nhấn mạnh: “Đó là quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch hàng ngũ của Đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Việc làm này rất bài bản, trách nhiệm, hiệu quả và tạo ra được chuyển biến trong lãnh đạo của Đảng. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của nhân dân. Việc xử lý đó có ý nghĩa cảnh báo, cảnh tỉnh để những cán bộ Đảng viên tránh khỏi những sai lầm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem