50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơi thở của Đổi mới

Lương Kết (ghi) Thứ sáu, ngày 22/02/2019 12:05 PM (GMT+7)
“Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1965-1969), có thể coi như một cương lĩnh xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Văn kiện này mang hơi thở, sinh khí của đổi mới” - PGS –TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng –Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nói.
Bình luận 0

Hướng tới tương lai

PGS.TS Bùi Đình Phong nhận định: Cần phải khẳng định, Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ mà cả cuộc đời vì nước, vì dân, không màng tới danh lợi bản thân. Tại sao nói như vậy?

Theo PGS Phong phân tích, bởi vì những tư tưởng lớn trong Di chúc đã được định hình từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, đặc biệt khi Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói về Di chúc không phải chỉ đọc văn bản là hiểu, mà phải hiểu con người viết ra Di chúc; nghiên cứu cả cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các trước tác của Người. Nói “kết tinh” là như vậy.

Nói Di chúc như một văn kiện mang chở tinh thần đổi mới, bởi vì toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Như Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn đó là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống nhân dân, vai trò của nhân dân, đoàn kết, dân chủ,...

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội ĐB toàn quốc lần III Đảng Lao động Việt Nam, 5.9.1960. (Ảnh tư liệu)

Bác bắt đầu viết di chúc từ năm 1965, Người dành khoảng thời gian hơn 4 năm  (1965, 1966, 1968, 1969, còn năm 1967 Bác đi chữa bệnh ở nước ngoài, tài liệu đó Bác không mang theo). Di chúc năm 1965 được coi là bản Di chúc hoàn chỉnh nhất, vì có đầu, có cuối, nội dung, có ngày tháng, có chữ ký của Bác, có chữ ký của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn.

Nói hơn 4 năm nhưng mỗi năm Bác dành ra khoảng 10 ngày vào dịp sinh nhật để điều chỉnh, bổ sung từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi nhấn mạnh điều đó và phải hiểu sâu điều đó để khi đọc lại, suy ngẫm mới thấy tầm vóc, ý nghĩa của Di chúc, mỗi câu, mỗi đoạn chứa đựng một tầm tư tưởng lớn lao.

Thể hiện tầm nhìn lớn lao

Năm 1968 là năm Bác bổ sung Di chúc nhiều nhất với 6 trang viết tay. Năm 1965, Bác viết trong Di chúc “trước hết nói về Đảng”, đến bản bổ sung năm 1968, Bác lại viết “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng”. Hai câu đều nói về Đảng nhưng ở tầm mức khác nhau.

Câu của năm 1965, trước hết nói về Đảng là sắp xếp thứ tự 1, 2, 3 đặt câu chuyện muốn có chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh thì trước hết nói về Đảng. Năm 1965, Bác nói về Đảng chưa cụ thể. Bản viết năm 1968 có cái hay là nói về Đảng nhưng nói về chỉnh đốn Đảng, tức là bàn về nội dung. Điều đó cho thấy tầm nhìn của Người.

Đến năm 1969 Bác bổ sung một trang viết tay trên tờ giấy tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam (bản tin in một mặt). Đây là một nét rất đặc biệt. Cả cuộc đời Bác là tấm gương tiết kiệm, Bác giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tiết kiệm, đến Di chúc thì tư tưởng và tấm gương tiết kiệm vẫn được thể hiện. Người đã viết: Khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

"Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn đó là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống nhân dân...”, PGS.TS Bùi Đình Phong.

Một điều đặc biệt nữa là Bác chỉ ra mối quan hệ giữa “Đảng cầm quyền” với đạo đức. Đã có quyền thì phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bởi vì quyền lực có xu hướng tha hóa. Có quyền mà không có lương tâm là hỏng.

Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện chúng ta cũng đang làm mạnh với các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII, rồi Quy định về trách nhiệm nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương...,  những nội dung đó cũng theo tinh thần Di chúc của Bác.

Một điểm rất đặc biệt khác trong Di chúc đó là Bác nói đến vai trò của nhân dân. Người hình dung sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ”.

Câu kết trong bản sửa năm 1968, Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Đây không phải là vấn đề của Di chúc mà còn là sự kết tinh toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người, tức là tư tưởng Hồ Chí Minh là vì dân và do dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem