Di dời sư tử đá ngoại lai: Chưa dám làm vì ngại... cán bộ

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 03/04/2015 07:57 AM (GMT+7)
Sau 5 tháng thực hiện yêu cầu di dời sư tử đá ngoại lai, các chuyên gia văn hóa và người dân các địa phương cho biết, việc thực hiện di dời vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong nhận thức và xử lý.
Bình luận 0

Phải thay đổi nhận thức

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ VHTTDL, công văn số 2662 của bộ về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân, các bộ, ngành, địa phương và cả Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

img
Di dời sư tử đá tại đình Hồi Quan, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Đức Bình
Giáo hội Phật giáo đã ban hành Công văn số 196/CV-HĐTS, về việc không bài trí; di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.

 

Nhiều địa phương đã thực hiện di dời các sư tử đá ngoại lai, trong đó Hà Nội đã hoàn thành tốt công tác vận động tổ chức di dời hiện vật lạ, sư tử đá ngoại lai, đèn đá… ra khỏi di tích. 146 tượng sư tử đá ngoại lai đã được di chuyển, trong đó quận Long Biên đã vận động di dời thành công 30 tượng tại 11 di tích trước ngày 30.11.2014.

Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, ngay khi công văn số 2662 được ban hành, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền ở 30 quận, huyện, thị xã, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các di tích.

“Tuy nhiên, tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương, việc di dời vẫn đang vấp phải một số bất cập. Cụ thể là chúng tôi không biết phải di dời sư tử đá về đâu hay cách nào để xử lý những con sư tử đá đó. Tại Hà Nội, hiện việc di dời vẫn phụ thuộc vào chính nơi được công đức và người công đức. Tức là nếu họ cung tiến sư tử đá vào chùa, đình, đền thì họ sẽ tự mang ra và tự xử lý”- ông Trương Minh Tiến cho hay.

Đồng quan điểm, ông Phan Đình Tân- Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết, mặc dù đã có triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” nhưng nhiều nơi, người dân vẫn không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai ra sao và các linh vật truyền thống của Việt Nam như thế nào. “Phần lớn người dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn, quản lý là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam hiện còn lưu giữ được nhiều tượng sư tử, nghê, lân, sấu mang những đặc trưng riêng của Việt Nam”, ông Tân phân tích và nói thêm: “Các sản phẩm ngoại lai hiện trưng bày trong di tích, nơi thờ tự công sở có mang ý nghĩa tâm linh, vì vậy việc loại bỏ, di dời là quá trình vận động, tuyên truyền thay đổi nhận thức nên không thể một sớm một chiều mà xong”.

Di dời xong không biết chuyển sư tử đá về đâu

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho hay, việc di dời sư tử đá ngoại lai hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, đặc biệt khó khăn là nhiều cặp sư tử đá đã được cung tiến vào di tích, đình, đền, chùa là của những người có vai vế. Ví dụ như ở đền Và (Sơn Tây, Hà Nội) có một con sư tử đá mà ở đó từ người chủ đền đến những người dân, các cụ bô lão rất muốn di dời đi nhưng không ai dám vì người cung tiến là một cán bộ cấp cao (?)

Quan điểm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình
  Khó khăn lớn nhất trong việc di dời sư tử đá là chúng ta còn thiếu sự đồng lòng từ chính những người làm quản lý văn hóa. Tình trạng sư tử đá ngoại lai tràn lan hiện nay là do cán bộ văn hóa ở địa phương buông lỏng công tác quản lý. Vì vậy bây giờ chính họ phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện di dời”. 
Kể lại câu chuyện tiến thoái lưỡng nan của chính các chủ đền cũng như các cụ bô lão và Sở VHTTDL tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Đức Bình cho biết, một vị đại diện của Sở đã điện thoại tới ông và nhờ các chuyên gia thẩm định những tượng sử tử đá đó là ngoại lai hay không.

 

“Tôi rất ngạc nhiên và nói, những con sư tử này nhìn là biết luôn, tại sao lại không thể phân biệt. Vị đại diện Sở đó đã nêu lý do rằng cán bộ của Sở vẫn phân biệt được nhưng vì con sư tử được cung tiến từ các vị lãnh đạo cao cấp tại tỉnh đó, vì vậy họ rất cần văn bản thẩm định của các chuyên gia và cơ quan trung ương xác định các tượng sư tử đó là của nước ngoài, căn cứ vào đó chúng tôi mới di dời được, không thì rất khó khăn” - ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, cái khó khăn tiếp theo là việc di dời sư tử đá không biết chuyển về đâu, trong khi chính tại các địa phương cũng không có ý thức dành quỹ đất để tạm thời quy tụ về một mối.

“Chúng tôi đã quyên tiền để di dời hai con sử tử đá tại đình Hồi Quan, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với Phòng Văn hóa Thị xã Từ Sơn cho mượn tạm quỹ đất để có thể tập kết những con sư tử đá ngoại lai này thì phòng từ chối và không có sự hợp tác. Tôi nghĩ trong việc này các địa phương phải là người chủ động nhưng nhiều địa phương đã không chủ động lại còn thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện văn bản này của Bộ” - ông Nguyễn Đức Bình nói.

Không chỉ thiếu trách nhiệm, hợp tác của địa phương, rất nhiều nơi người dân còn phản ánh, chính những cán bộ tại địa phương cũng không chịu tham gia trong việc di dời. Hoặc bản thân họ không sâu sát mặc dù họ nhận thức được điều nguy hại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem