Ông Hai Hồ vừa cho biết dự định của ông khi xây xong ngôi nhà này sẽ đập bỏ ngôi nhà phía trước. Tuy nhiên, hàng chục năm qua ông vẫn chưa xây xong, khiến nó trở thành ngôi nhà "độc" và đang là địa điểm mà nhiều người khi đi qua phải ngước nhìn.
Hỏi vì sao ông xây nhà như thế, ông bảo nhà phía trước là do cha mẹ ông xây dựng từ năm 1964. Qua bao nhiêu năm tháng nắng mưa và bom đạn, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Vợ con ông nhiều lần bảo ông đập bỏ nhà để xây mới, song ông nhất quyết bảo để đó ông xây cho khỏi tốn tiền thuê thợ thầy. Thế là từ đầu những năm 1980, hằng ngày ông cần mẫn vừa kéo xe bò, vừa nhặt đá, gạch. Cát thì ông đến các sông, suối để lấy, ximăng mua từ tiền kéo xe thuê.
Mỗi ngày ông xây một ít. Điều đặc biệt là ông không sử dụng bất kỳ công cụ nào mà tự dùng tay để trát vữa. Khi xây, ông không đập bỏ gian nhà cũ ngay mà tiến hành xây phía sau.
|
Ngôi nhà “tân cổ giao duyên”. |
Thấy cha mình "gàn" như vậy, 3 người con trai sau khi khuyên bảo mãi không được nên không ai giúp sức, hy vọng đến lúc ông mệt mỏi sẽ tự bỏ cuộc. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, ông Hồ vẫn miệt mài, cặm cụi "tha" nguyên vật liệu về xây ngôi nhà đặc biệt này...
Nhiều người nói ông là người keo kiệt nhất thế gian, tôi nghĩ lại thấy cũng đúng. Hàng chục năm qua, ông tự mình chăm sóc cho bản thân. Đối với ông, chuyện ăn uống không quan trọng. Theo ông, "ăn để sống chứ không phải sống để ăn". Do vậy sáng ra, ông nấu một lon gạo để ăn 2 bữa. Thức ăn hầu hết là mắm, muối. Còn buổi tối, ông ăn hủ tiếu, mà cũng chẳng bỏ tiền túi ra để mua. Vì trước nhà là mặt tiền, mỗi đêm đều có người bán hủ tiếu nhờ trước hiên nhà nên coi như họ "nộp phí mặt bằng" cho ông.
Ông kể, mỗi đêm có bóng đá, ông lại đến quán cà phê bên cạnh xem. Nhưng ông không vào quán. Vì vào quán phải gọi đồ uống sẽ mất tiền, vậy là ông đứng bên ngoài nhìn vào. Tên các đội bóng, các cầu thủ ngoại, ông đều nhớ và đọc vanh vách. Về cái sự minh mẫn và trí nhớ của ông thì chính tôi cũng phải khâm phục. Bởi đã ở cái tuổi ngoài 80, vậy mà ông vẫn nhớ như in cách giải những bài toán rất khó. Đặc biệt là các dạng toán hình học của lớp 11 – 12, ông vẫn giải được rất nhanh.
Ông còn giải thích về các hiện tượng nguyệt thực, nhật thực, về tốc độ ánh sáng, các kiến thức về thiên văn... một cách rõ ràng, khúc chiết và lấy những ví dụ thật gần gũi để giải thích cho người nghe dễ hiểu, dễ biết, khiến mấy anh hàng xóm đi cùng tôi cũng phải tròn mắt thán phục.
|
Ông Hồ đang giải toán cho một học sinh. |
Những lúc rảnh rỗi, thú vui của ông là chơi trò giải ô số, ô chữ trên các tờ báo cũ mà ông nhặt được. Ông bảo ô chữ nào, ông cũng giải được, nhưng chỉ chơi cho vui chứ không ham hố giải thưởng.
Đến cái tuổi già đáng lẽ ra được hưởng an vui bên con cháu, nhưng ông vẫn cố gắng thực hiện được “mơ ước” xây được một căn nhà từ chính đôi bàn tay mình.
Nói về ông Huỳnh Hồ, anh Trần Thế Tuyển - Tổ trưởng Tổ đoàn kết dân phố cho biết: "Ông Hai Hồ đã sống ở đây cả đời người rồi. Tôi chưa thấy ai như ổng hết. Chắc ổng là người có một không hai trên thế giới này. Khi thấy ổng xây nhà ni, nhiều người cũng khuyên can nhưng ổng nhất quyết không nghe mà cứ làm theo ý mình.
Ổng vậy đó nhưng không ai nói ổng khùng cả. Ổng sống thế nhưng chẳng bao giờ làm phiền ai, cũng chẳng bao giờ to tiếng nên mọi người ai cũng thương. Thế nên mọi người có chi cũng cho ổng hết. Mấy đứa học sinh thi thoảng cũng nhờ ông giải toán!”.
Cứ thế, hơn 30 qua, ông lão giờ đã hơn 80 tuổi vẫn như ngày nào cứ cần mẫn làm một con “kiến thợ”. Nhiều người cho rằng ông không bình thường, nhưng nhiều người cũng nói rằng ông thật đặc biệt. Bởi đến cái tuổi già đáng lẽ ra được hưởng an vui bên con cháu, nhưng ông vẫn cố gắng thực hiện được “mơ ước” xây được một căn nhà từ chính đôi bàn tay mình.
Khao khát thực hiện mơ ước đến cùng dù đã ở cái tuổi bát thập như thế cũng là một điển hình đáng quan tâm, khi mà bây giờ nhiều giá trị cuộc sống thường phai nhòa vì những điều gì đó, khiến người ta dễ dàng quên đi mơ ước, dù là mơ ước nhỏ nhoi, bình dị nhất…
Hữu Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.