Đi qua những khu vườn mong manh

Lê Thanh Phong Thứ sáu, ngày 08/02/2019 13:16 PM (GMT+7)
Đi trong khu vườn Huế, yên tĩnh đến lặng người, chỉ nghe tiếng nhớ khẽ rung ở trong lòng. Về Huế thấy nhớ Huế hơn khi ở xa... Và không gian vườn Huế có lẽ là nơi trú ẩn bình an trong chốc lát cho những tâm hồn Huế tha hương.
Bình luận 0

Lang thang trên những con đường ở Kim Long, tự nhiên thấy Huế đẹp ở một nét khác, không phải khi nào cũng sông Hương núi Ngự, cũng lăng tẩm đền đài. Ở đây là những khu vườn, kết nối thành một không gian Huế riêng biệt đẹp duyên dáng và quyến rũ. Ẩn sau những cánh cổng hiền từ kia là những ngôi nhà, giấu trong một vườn cây trái thơm tho. Ẩn sau những ngôi nhà đó còn có những “đôi mắt mỹ nhân”, ngày xưa Kim Long là miền gái đẹp, vua chúa, danh tướng không ai không muốn “tụng tình đầu trang kinh tương tư”.

Gìn giữ những niềm tự hào

Đứng trước một cánh cổng trên đường Phú Mộng, tôi nhìn bên trong qua hàng chè tàu thấp bày ra ngôi nhà cổ, mái được lợp ngói liệt rất Huế đó chỉ có ở những ngôi nhà xưa. Chủ nhân là ông Phạm Đăng Thiêm, 76 tuổi, tiếp khách lạ từ xa đến một cách ân cần. Nơi đây thờ Quốc công Phạm Đăng Hưng (thân sinh bà Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức), làm tới chức Thượng thư Bộ Lễ. Từ ông Phạm Đăng Hưng đến ông Phạm Đăng Thiêm tính ra đã sáu đời.

Ông Thiêm sinh ra và lớn lên trong ngôi vườn này. Ông kể ngày xưa vườn trồng nhiều loại cây trái. Cam, mít, chuối, thơm, nhãn, vải đều có, mùa nào bán trái cây đó. Người Huế làm kinh tế vườn cũng rất nghệ sĩ, không sốt ruột chạy theo số lượng, cứ thủng thẳng bán từng mớ nho nhỏ, được nhiều hay ít chẳng mấy bận tâm.

Quanh khu vườn rộng 2.000m2, bố cục vẫn là vườn Huế truyền thống, với cây cối, hàng chè tàu, bể cạn, hòn non bộ. Rồi những loại hoa như hải đường, thiết mộc lan, hoa nhài. Năm tháng đi qua, mùi hương hoa trái như xưa, nhưng ngôi nhà rường 5 gian làm từ đường họ Phạm dường như đã kiệt sức vì gánh nặng thời gian. Tuổi của ngôi nhà đã gần 170 năm còn gì.

img

 Nhà thờ Quốc công Phạm Đăng Hưng. Ảnh: Đăng Hạnh

Ông Thiêm kể về trận lụt năm 1953, nước ngập đến nóc nhà, ngôi nhà rường bị bệnh nặng. Sau lụt chạy chữa được, ngôi nhà qua bạo bệnh lại đến đạn bom chiến tranh. Ông chỉ tay vào những vết thương trên cột gỗ do mảnh đạn của chiến sự năm Mậu Thân, những cột gỗ bị thương đó cùng với tuổi tác của nó, chắc không chịu đựng được lâu nữa...

Nhà vườn Huế cũng là từ đường thờ những công thần triều Nguyễn, thường có những vị trí độc đáo, người thời nay gọi là “view” rất đắt giá. Như từ đường Vĩnh Quốc Công thờ dòng tộc Nguyễn Hữu, nhìn xuống dòng sông Hương, đẹp đến mức không thể đẹp hơn. Cây xanh tỏa bóng, vườn chiều mênh mông, xa là mây trắng, gần là sông xanh. Hèn chi Trịnh Công Sơn thăm vườn Huế bị nhập tâm, có lúc phải thốt lên “xin ngủ dưới vòm cây” (trong Ru ta ngậm ngùi).

Từ ngoài cổng nhìn vào, hai hàng cau thẳng tắp như làm cho khu vườn hun hút sâu. Cây cối của ngôi vườn này xanh tươi chứng tỏ được chăm sóc rất kỹ. Từng lối đi, gốc cây, khóm hoa đều được sắp đặt có lớp lang. Thanh trà, bưởi, cam, măng cụt… được trồng khắp vườn, nhìn là biết chỉ có phong cách vườn Huế. Người Huế dù có tiền đầy nhà cũng không vì thế mà quên trồng ít rau để ăn, cụm ớt để làm gia vị, trái cây để ăn và có thể đem bán. Người Huế dù học kiến trúc của Tây thì cũng chung thủy với không gian kiến trúc trúc vườn, bức bình phong, nhà rường một gian hay ba gian, mái ngói, cây tán rộng lấy bóng mát, các loài hoa để tô điểm ngôi vườn và tỏa hương thơm.

Bà Nguyễn Thị Lệ - con dâu đời thứ 25 của Tộc Nguyễn Hữu dẫn tôi qua bức bình phong để đến từ đường. Bước lên bậc tam cấp, tôi cố ý cúi xuống như một cử chỉ tôn kính một dòng tộc danh tiếng. Nhà thờ sạch sẽ, trang nghiêm. Trong gian nhà thờ Huế bao giờ nhang đèn, trầm hương cũng tinh tươm. Sự tôn nghiêm của dòng tộc còn được thể hiện ở hoành phi, câu đối, bức liễn và đồ đạc dùng để thờ tự. Những bộ bàn ghế xưa, trong ngôi nhà xưa, trong vườn xưa, có ngôn ngữ của một cung trầm, một vẻ đẹp rất Huế.

Khi tôi đến, bà Lệ cùng cậu con trai đang chăm sóc vườn, bà nói bao năm nay, mỗi ngày đều dành một chút thời gian để lo cho cây cối, hoa cỏ và từ đường. Cuộc sống của người Huế có nhà vườn, đặc biệt là những người trong dòng tộc vua chúa hay những vị công thần của triều đình, mảnh vườn còn có ý nghĩa khác, là của cải, là tài sản vua ban. Con cháu muôn đời có niềm tự hào đó, cho nên cố gắng giữ gìn.

Một khu nhà vườn nổi tiếng, tiêu biểu cho nhà rường Huế ở khu Phú Mộng – Kim Long là nhà của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điển. Quan lớn nhưng nhà rất bé, làm xong năm 1909, đến nay đã hư nát đi nhiều. Có điều, vì con cháu không ai can thiệp để xây thêm, cơi nới nên ngôi nhà còn giữ được hình dáng xưa cũ.

Con cháu của quan Thượng thư Phạm Hữu Điển ở xa, ít khi về, nhờ một người bà con trông nom nhà giúp. Nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch và tươm tất. Trong vườn đương nhiên là tổ hợp bình phong, bể cạn, hòn non bộ. Đường vào và ranh giới khu vườn là hàng chè tàu thấp, quanh vườn là măng cụt, mít, chuối, và tất nhiên không thể thiếu các khóm hoa như mẫu đơn, cúc, vạn thọ. Người Huế lấy nhà vườn làm nơi trú ngụ của tâm hồn và cũng để chơi. Mà chơi thì thích chi chơi nấy, ưng là trồng, hoa gì cũng có ý nghĩa nếu như biết sử dụng vẻ đẹp hay hương thơm của nó.

Tôi đến thăm một vườn Huế khác, Vĩnh Ấm Viên - khu vườn rộng với ngôi nhà thờ công chúa Diên Phước - con gái đầu của vua Thiệu Trị, chị ruột của vua Tự Đức. Vĩnh Ấm Viên không gian rộng rãi nhưng không còn giữ được nét vườn Huế xưa, bởi vì vườn được sử dụng làm quán cà phê. Tuy nhiên, nhà thờ được vua Tự Đức đặt tên là “Diên Phước trưởng công chúa từ” là ngôi từ đường rất đẹp. Đây là căn nhà rường 1 gian 2 chái được đánh giá là chuẩn mực nhất về mặt kiến trúc và kỹ thuật xây dựng.

Rồi cũng phải chia tay những nhà vườn gần gũi với thằng Huế trong tôi, một ngày tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi lục tìm những kỷ niệm sâu thẳm của cố hương... Tôi giật mình như vừa đi qua những khu vườn mong manh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem