Di sản lạnh lùng

Phạm Trung Tuyến Thứ năm, ngày 13/09/2018 11:08 AM (GMT+7)
Việc các lực lượng chức năng Quảng Ninh thu giữ, thiêu đốt hàng trăm tàu, thuyền bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long đang gây nhiều tranh luận giữa những  ý kiến cho rằng việc hủy hoại tài sản của dân là phi nhân tính, và những  ý kiến cho rằng cần mạnh tay để lập lại trật tự.
Bình luận 0

Theo đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long thì hầu hết số tàu thuyền bị thiêu hủy đều không có giấy tờ hợp lệ, và sau khi bị thu giữ do vi phạm đã không có người đến nhận. Như vậy, dưới góc độ pháp lý thì việc thiêu hủy này không sai.

img

Các lực lượng chức năng bắt tàu bán hàng trên vịnh Hạ Long. Ảnh: N.Hùng (L.Đ)

Tuy nhiên, câu chuyện không nằm ở việc sai hay đúng của một hành động, mà sâu xa hơn: Với những động thái mạnh tay như kể trên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang cho thấy một tư duy biến Vịnh Hạ Long thành một di sản lạnh lùng, chỉ để phục vụ du lịch thuần túy mà không có hình bóng của đời sống dân sinh.

Năm 2014, Vịnh Hạ Long cơ bản đã không còn tồn tại các làng chài truyền thống, gần 2.000 hộ dân mưu sinh trên những làng chài lênh đênh trên mặt vịnh từ hàng trăm năm đã được tái định cư trên bờ. Trong năm 2017, hàng loạt lệnh cấm cũng đã được áp dụng đối với các hoạt động trên vịnh như chèo thuyền, chạy cano cao tốc, rồi cư trú, neo đậu…

Những lệnh cấm kể trên mang  lại hiệu quả tích cực về mặt quản lý, góp phần hạn chế các nguy cơ tai nạn, các hành vi tiêu cực làm phiền du khách. Nhưng, mặt khác, nó khiến chính các du khách thất vọng với một Vịnh Hạ Long vắng bóng con người, chỉ còn lại những chiếc tàu du lịch sơn trắng, và những đoàn khách ngẩn ngơ trên boong ngắm nghía trời mây.

Vịnh Hạ Long từng được đánh giá là một trong những địa điểm chèo kayak tốt nhất thế giới, nhưng hoạt động chèo kayak bị hạn chế.

Vịnh Hạ Long  không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi đời sống cư dân sinh động trên những làng nổi. Nhưng làng nổi đã chuyển lên bờ.

img

Đốt bỏ tàu bán hàng rong vi phạm (ảnh cắt từ clip).

Với những hành động quyết liệt nhằm cách ly di sản với đời sống dân sinh của cộng đồng cư dân bản địa, Hạ Long dễ quản lý hơn, có thể sạch sẽ hơn, sang trọng hơn. Song, các sản phẩm du lịch của Hạ Long cũng vì thế mà nghèo nàn hơn, và chủ yếu dựa vào năng lực của các công ty du lịch, với những thành quả của công nghệ du lịch.

Một Hạ Long sạch sẽ, sang trọng nhưng thiếu vắng tinh thần bản địa sẽ chỉ là một di sản lạnh lùng,  không còn hồn vía. Đó có lẽ không phải là lựa chọn bền vững đối với Hạ Long.

Những chiếc thuyền bị đốt hôm nay rất đúng luật, và sẽ không có tiếng kêu oan. Nhưng những ngọn lửa đốt thuyền ấy sẽ trở thành một bức tường lửa ngăn cách người dân Hạ Long với di sản của mình. Một di sản thiên nhiên đã gắn bó với lịch sử, với các ký ức của tổ tiên người dân bản địa,  giờ đây sẽ trở thành lãnh địa của các công ty du lịch, thành một thứ tài nguyên dành cho số ít người.

Có thể, với cách biến Hạ Long thành một di  sản sạch sẽ lạnh lùng sẽ vẫn còn duy trì được nguồn thu trong nhiều năm nữa, với những lượt  du khách được làm mới mỗi năm. Song, với một di sản đẹp đẽ vô hồn, sẽ không có bất cứ du khách nào mong muốn quay lại để khám phá thêm những trải nghiệm bất ngờ, mới mẻ.

Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần nhìn nhận đời sống của người dân bản địa như một phần của di sản để áp dụng những giải pháp quản lý phù hợp. Để người dân có thể sống, phát triển và đóng góp thêm những màu sắc sinh động cho di sản Vịnh Hạ Long. Điều này có thể sẽ khó khăn hơn là cấm đoán, nhưng là sự khó khăn xứng đáng để đánh đổi, vì một Hạ Long hấp dẫn hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem