Ngày 15/9, tại xã Thôm Mòn, UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn.
Di tích Mái đá bản Mòn là di tích khảo cổ đầu tiên được phát hiện ở khu vực Tây Bắc. Mái đá bản Mòn ở xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, cách thành phố Sơn La khoảng 30km về phía Tây Bắc. Năm 1927, nữ khảo cổ người Pháp là Madelen Colani đã tiến hành khai quật di chỉ bản Mòn và phát hiện nhiều công cụ đá, đồ trang sức, vỏ ốc suối.
Sau năm 1927, một số nhà nghiên cứu đã tiếp tục đến khảo sát di chỉ Mái đá bản Mòn. Đến năm 2006, mái đá bản Mòn được công nhận di tích cấp tỉnh và được Bảo tàng tỉnh Sơn La đầu tư tu bổ, tôn tạo vào năm 2017.
Tháng 4/2021, Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Viện khảo cổ, Hội Khảo cổ học Việt Nam, UBND huyện Thuận Châu, tổ chức khai quật Di tích Mái đá bản Mòn và phát hiện 2 mộ người tiền sử, trên 1.000 hiện vật đá, gần 2.000 mảnh gốm, trong đó có nhiều di vật đặc trưng cho các giai đoạn văn hóa sớm (từ 10.000 - 5.000 năm).
Những phát hiện này đã chứng minh mái đá bản Mòn là nơi cư trú, vừa là công xưởng chế tác rìu đá và nơi để mộ táng. Với những giá trị to lớn đó, Di tích Quốc gia Di tích Khảo cổ Mái đá bản Mòn được xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 698/QĐ-BVHTTDL ngày 20/3/2023 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tại buổi lễ chuyển trao Bằng công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đề nghị huyện Thuận Châu tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan bám sát quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích.
Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa của địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước của bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.