Đi trên đôi chân của bố

Thứ bảy, ngày 18/01/2014 07:36 AM (GMT+7)
Vợ chồng tôi ít chữ, sống dựa vào 2 sào ruộng khoán, sinh được 3 người con thì cháu đầu là Trần Thị Thúy lại hỏng mất đôi chân từ nhỏ. Thương và lo cho tương lai của con, chúng tôi đã vay mượn mọi cách đưa cháu đi khắp nơi chữa trị.
Bình luận 0
Đến khi không còn khả năng nữa, chúng tôi đành cắn răng chấp nhận con gái bị tật nguyền.

Đến tuổi đi học, dù mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người thân nhưng bù lại Thúy học rất chăm chỉ, sáng dạ. Suốt những năm tháng học tiểu học, rồi phổ thông, được bố mẹ thay nhau “làm đôi chân” đưa đón đến trường nên Thúy rất ít khi phải nghỉ học. Năm nào thành tích học tập của cháu cũng đứng đầu lớp. Các con càng khôn lớn, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn, nhiều khi bữa ăn chỉ có cơm trắng và rau lang luộc chấm muối...

Anh Trần Văn Bình (trái) cùng con gái (ngồi) tiếp nhận quà và xe lăn do các thầy cô  Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tặng.
Anh Trần Văn Bình (trái) cùng con gái (ngồi) tiếp nhận quà và xe lăn do các thầy cô Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tặng.

Ngày nhận được giấy báo Thúy đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, cả nhà tôi lặng đi vì vui mừng, hạnh phúc và cả lo lắng. Lấy tiền đâu ra để lo cho con ăn học trong 4 năm liền? Hơn nữa, cháu lại không tự đi lại, sinh hoạt được. Vợ chồng tôi lo lắng nhưng vẫn thống nhất: “Con cứ đi học. Bố mẹ và các em sẽ tạo mọi điều kiện cho con đến giảng đường...”.

Dồn gánh nặng gia đình cho vợ, tôi ra Hà Nội làm đôi chân cho con. Dù được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, nhưng vì lý do riêng nên bố con tôi thuê một căn phòng trọ hẹp ở làng Phú Đô. Tôi đăng ký mượn có trả phí chiếc xe máy cũ của một người quen nơi xóm trọ để sáng sáng đưa con đến trường, cõng lên lớp, hết giờ học đón về.

Khoảng thời gian trống, tôi tranh thủ làm đủ mọi việc từ khuân vác, chở hàng đến làm phụ hồ ở công trường xây dựng. Sống ở Hà Nội dù thiếu thốn đủ đường nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc. Gần 2 năm qua, tôi tự tin rằng mình có thể tiếp sức tốt cho con gái đến giảng đường và thỉnh thoảng còn gửi được quà về cho vợ con ở quê nhà...

Tết Giáp Ngọ này, con gái tôi đã kết thúc học kỳ I của năm thứ 2 với điểm tích lũy đạt giỏi, được học bổng khuyến khích, được các thầy cô tặng chiếc xe lăn mới... Trong những giấc mơ nhọc nhằn, tôi đã thấy con mình trưởng thành, cứng cáp dần lên cùng với vòng quay của chiếc xe lăn...

Trần Văn Bình (Thôn Lam Sơn, xã Các Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa)
Minh Trường (ghi) (Minh Trường (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem