"Đi trước đón đầu" trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số ở xã vùng cao Yên Bái
"Đi trước đón đầu" trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số ở xã vùng cao của Yên Bái
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ hai, ngày 14/10/2024 06:02 AM (GMT+7)
Là địa phương được lựa chọn xây dựng nông thôn kiểu mẫu về chuyển đổi số năm 2024 của huyện Trấn Yên, đến nay công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã Hưng Thịnh đã được triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo quy định.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Thịnh đã đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn, phát huy những lợi thế để đạt được kết quả vượt bậc, toàn diện.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh; kinh tế nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực, địa phương đã quy hoạch và phát triển được các sản phẩm chủ lực. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 61,23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025) giảm còn 4,91%.
Năm 2017, xã Hưng Thịnh được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 năm sau địa phương tiếp tục hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngay sau đó, địa phương tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để hoàn thành mục tiêu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Thịnh đã không ngừng nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành yêu cầu tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số.
Đến nay, toàn xã đã có 10/10 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế phát triển bền vững; văn hoá xã hội được quan tâm chỉ đạo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.
Là địa phương có nhiều kết quả nổi trội về chuyển đổi số đặc biệt là việc ứng dụng trong phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hoá. Đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã (đạt 100%); 100% sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử (trong đó có 2 sản phẩm Quýt đường canh và bưởi diễn); Xã tập trung việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm du lịch trên địa bàn thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội.
Cùng với đó, UBND xã đã lập trang thông tin điện tử của xã tại địa chỉ"https://hungthinh.tranyen.yenbai.gov.vn" và trang Fanpage của xã "Hưng Thịnh ngày mới" nhằm quảng bá hình ảnh Lễ hội giã cốm của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn xã.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt từ 70% trở lên; Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa ≥ 40%:
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính có cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử năm 2024 đạt 100%, năm 2025 đạt 100%.
Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện số hóa hồ sơ năm 2024 đạt 90%; năm 2025 đạt 100%; đến thời điểm 5/8/2024 tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 99,1%; xác thực định danh điện tử đạt tỷ lệ trên 76% đáp ứng nhu cầu giao dịch thủ tục hành chính của người dân và định hướng phát triển của xã hội.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công năm 2024 đạt 70%, năm 2025 đạt 90%; 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định; trên 60% hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ.
Xã đã làm tốt công tác triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh và lựa chọn thôn Yên Định thực hiện mô hình thôn thông minh. Trong đó, thực hiện việc lắp đặt wifi miễn phí ở các điểm công cộng;100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thôn, bản được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số; thôn có hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông;Trên địa bàn thôn Yên Định có 1 hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông đảm bảo phát huy tối đa vai trò chuyển tải kịp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh các thông tin thời sự, sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp như thiên tai, bão lũ phòng, chống dịch bệnh đến 100% người dân trong thôn; 100% hộ gia đình trên địa bàn thôn, bản được tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến.
Ủy ban nhân dân xã đã triển khai thực hiện tổ chức cho tổ chuyển đổi số của xã và tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn tham gia đầy đủ các hội nghị tập huấn do các cấp tổ chức về nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng dẫn, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số. Tổ chuyển đổi số của xã và tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cài đặt các app và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến như VovBacsi 24; Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn thôn được hướng dẫn và cài đặt ứng dụng VovBacsi24 là 141/141 hộ (đạt 100%).
Đến nay, tổng số tiêu chí xã tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số là 5/5 tiêu chí (đạt 100%), chỉ chờ thẩm định và xét duyệt của cấp trên.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: "Về phía địa phương, ngay từ đầu khi chưa có nội dung của tỉnh triển khai về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số, nhận thấy nhu cầu của người dân về sử dụng internet rất cao, chính vì vậy, xã đã tuyên truyền vận động các thôn khi chưa có kinh phí để lắp đường dây mạng sẽ xin đường truyền mạng của người dân để kéo sang hội trường thôn. Sau khi xã triển khai được một năm, thì lúc này mới có kế hoạch từ cấp trên về việc lắp wifi miễn phí tại các điểm công cộng và hội trường các thôn để thực hiện nội dung nền tảng số. Trên cơ sở đó, xã đã huy động nhà mạng Viettel và Vinaphone kéo toàn bộ đường truyền mạng tốc độ cao đến hội trường của 10 thôn trên địa bàn xã.
"Đến nay, trên địa bàn xã đã thực hiện việc lắp đặt wifi miễn phí ở hội trường 10 thôn, điểm văn hoá bưu điện, đơn vị trường học, trạm y tế, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đều có mạng wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu của người dân.
Năm 2023, thôn Yên Định được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái công nhận là thôn thông minh và xã Hưng Thịnh được công nhận là xã thông minh", Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.