“Đi tù mấy chục năm, lấy đâu ra hóa đơn chứng từ để đòi bồi thường?”

Lương Kết Thứ ba, ngày 20/09/2016 14:49 PM (GMT+7)
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), sáng nay 20.9.
Bình luận 0

Góp ý vào dự  thảo Luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là một luật vô cùng khó khăn. Nếu quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, mở quá rộng lại làm "chùn tay" các cơ quan tố tụng.

img

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Bà Nga đã nêu ra những vụ gian nan khi đòi bồi thường oan sai được dư luận quan tâm trong thời gian qua, như  trường hợp của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang... Bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ việc quy định các trường hợp được bồi thường trong luật, tránh trường hợp người đáng được bồi thường lại không được bồi thường.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong báo cáo giám sát oan sai, mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, chậm trễ…

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng quá trình giải quyết bồi thường oan sai thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường nên tạo ra sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính không thống nhất.

“Nói ra thì xấu hổ, có người bảo “cò kè bớt một thêm hai”, nhưng chúng ta cần có quy định thật chuẩn như một barem để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó tính toán mức bồi thường” – ông Thể nói.

“Có trường hợp thời gian kéo dài, làm oan sai nghiêm trọng nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút, làm cho dư luận và người dân phản ứng cho rằng đó chỉ là cách làm hình thức, chiếu lệ” – bà Nga nói.

Nói về thủ tục yêu cầu bồi thường, bà Nga cho rằng, thủ tục yêu cầu muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ?

“Mấy chục năm người ta ngồi tù, gia đình cũng lâm cảnh khốn đốn thì lấy đâu ra giấy tờ để chứng minh và đòi bồi thường theo đúng yêu cầu? Những cái vô lý này, Luật có giải quyết được không? Thêm nữa, người dân bức xúc vì số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường quá lớn. Trách nhiệm bồi hoàn của người làm oan sai ở đâu?”, bà Nga đặt vấn đề.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị phải có cơ sở để tính toán, chứ không thể buộc những người đi tù cả chục năm phải tự chứng minh thiệt hại. Bên cạnh đó những thiệt hại về tinh thần cũng phải được lượng hóa, chứ không chỉ là một lời xin lỗi.

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật) thừa nhận: Về câu hỏi Luật có giải quyết tất cả vấn đề như bà Lê Thị Nga nêu, tôi chưa dám hứa. Vì khi đưa luật vào thực tế đều xảy ra trường hợp tổ chức thi hành luật chưa tốt, nên có khoảng cách giữa nội dung và thực tế.

Về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp cho rằng với những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng về tinh thần cũng có cách tính toán, và Ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần.

Giải trình thêm, ông Tống Anh Hào – Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng, những trường hợp cụ thể về bồi thường oan sai giải quyết chậm và có vướng mắc không phải do quy trình và quy định về pháp luật bồi thường có vướng mắc, mà do vướng trong việc xác định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem