Quốc hội thảo luận dự thảo Văn kiện Đại hội XII: Trẻ hóa cán bộ sao phải băn khoăn?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 24/10/2015 08:14 AM (GMT+7)
"Trẻ hoá lãnh đạo cán bộ các cấp là luồng gió mới, là một làn sóng rất tốt, tại sao xã hội rất băn khoăn? Có phải do ta đã chọn một cách làm chưa thực sự tâm phục khẩu phục?" - Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đã nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội (ĐH) XII của Đảng.
Bình luận 0

Đúng quy trình sao dư luận băn khoăn?

Ngày 23.10, QH làm việc tại đoàn để góp ý vào dự thảo Văn kiện trình ĐH XII của Đảng. ĐB Lê Minh Thông cho rằng, vấn đề trọng tâm là phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định, phải có cải cách, bước phát triển trong công tác cán bộ. "Sức mạnh của Đảng không chỉ là đường lối mà là ở từng con người, đảng viên cụ thể trong từng vị trí cụ thể. Dân chủ trong Đảng cần phải được nhấn mạnh vì đó là bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. Cần thực hiện được tính cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài để lãnh đạo Đảng ở các cấp" - ông Thông bày tỏ.

img

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đứng): Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII phải có đánh giá đúng mức về nguy cơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”. Ảnh: L.K

ĐB Thông cũng nêu vấn đề thời gian qua một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ trẻ khiến dư luận xôn xao. "Việc trẻ hoá lãnh đạo cán bộ các cấp là một luồng gió mới, là một làn sóng rất tốt, nhưng tại sao dư luận xã hội lại rất băn khoăn, chúng ta chọn một cách tâm phục khẩu phục chưa, trung thực chưa" - ĐB Thông băn khoăn. Theo ông Thông, dư luận và nhân dân không phản đối lãnh đạo trẻ, càng trẻ càng tốt, tuổi trẻ tài cao càng phải được trọng dụng. Nhưng làm sao người cán bộ trẻ đó phải nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội. “Quy trình làm công tác cán bộ, cách thức bầu cử của chúng ta phải tính để làm sao thực sự xứng đáng”- ông Thông nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về vấn đề công tác nhân sự, ĐB Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu Đảng không làm công tác cán bộ tốt thì chắc sẽ không thể có cán bộ tốt.

Đề cập đến những trường hợp bổ nhiệm cán bộ trẻ, theo ĐB Lợi đó là xu thế rất tốt, thế nhưng phải làm sao cho hợp lý. "Chúng ta phải rõ ràng, hoặc là sửa quy trình, cứ người mà dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì ta bổ nhiệm. Hai là phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình chúng ta đã đề ra" - ĐB Lợi góp ý.

Nguy cơ tranh chấp lãnh thổ

Quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, phần đánh giá tình hình thế giới và châu Á - Thái Bình Dương theo tôi chưa thông tin đầy đủ về nguy cơ và khả năng tranh chấp lãnh thổ. Dự thảo Văn kiện đã đánh giá "Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông đang diễn ra gay gắt phức tạp".

Theo ĐB Nghĩa, trước tình hình của năm 2015 với việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành vi ngang ngược, việc đánh giá bằng cụm từ như vậy là chưa hết, chưa đầy đủ, thậm chí đánh giá thấp hơn mức độ mà nguy cơ đang diễn ra. "Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Thách thức mới nghĩa là Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo, xây hải đăng, các công trình như đường băng có thể quân sự hóa ngay lập tức. Đó là sự báo động rất lớn, một biểu hiện mới trong tranh giành chủ quyền" - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông, ĐB Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta có bài học lớn về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng trên Biển Đông. Có thể có ý kiến cân nhắc có nên đưa vào dự thảo Văn kiện hay không, nhưng cá nhân tôi cho rằng đây là bài học rất lớn và là một bài học thành công của chúng ta”.

ĐB Giàu phân tích thêm, khi xảy ra vấn đề khủng hoảng trên Biển Đông (vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển nước ta tháng 5.2014), Ban Chấp hành T.Ư đang họp. Ngay khi đó, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp ngay. Tổng Bí thư đã khẳng định bằng mọi cách, mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Vậy chúng ta phải giữ bằng cách nào? Đó chính là ba trụ cột chính: Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế, thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới, của Liên Hợp Quốc đối với chúng ta. Trụ cột thứ ba là đấu tranh trên thực địa, trong đó đáng kể nhất là việc mời báo chí trong và ngoài nước ra thị sát tại khu vực nóng để truyền tải thông tin một cách khách quan và rộng rãi. 

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: “Việc lấy ý kiến các ĐBQH về dự thảo Văn kiện trình ĐH XII của Đảng được tổ chức lấy tại đoàn, không lấy ý kiến ở các tổ, hội trường. Bởi lấy ý kiến ở đoàn sẽ được nhiều ý kiến hơn. Sau đó chúng tôi sẽ tập hợp lại thành báo cáo chung để gửi cho Tiểu ban Văn kiện ĐH Đảng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem