Làm lúa vẫn giàu
Về thăm nhà ông đúng dịp cả vùng Đồng Tháp Mười đang vào vụ gặt. Tiếng máy cắt lúa nổ giòn tan, tiếng í ới gọi thương lái mua lúa, tiếng tắc ráng chạy trên sông làm náo động cả vùng biên nhỏ. Là nông dân nhưng trông Tư Thành thảnh thơi đến lạ: Không chân lấm tay bùn, không tất bật như những nhà nông vào vụ.
|
Nông dân làm việc trên ruộng lúa của Tư Thành. |
Chưa kịp hỏi thăm, chị Tư- bà xã Tư Thành đã nhanh nhẩu mang ra một mâm đầy ứ những đặc sản miệt vườn, như: Gà chọi hấp dừa; thịt chuột đồng nướng rôty... Còn Tư Thành thủng thẳng rót từng ly rượu đế mời khách. Câu chuyện của chúng tôi cứ thế miên man theo nghiệp làm ăn của Hai lúa Tư Thành.
Tư Thành kể, ông sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ông thứ tư nên người dân ở đây quen gọi là Tư Thành. “Bố mẹ tôi ngày xưa nghèo lắm, cuộc sống của cả nhà chỉ cậy nhờ vào mảnh ruộng nhỏ bé như mắt trâu thôi”- Tư Thành kể.
Sau khi xuất ngũ trở về, Tư Thành nghĩ, sao vùng đất Đồng Tháp Mười đất đai nổi tiếng phì nhiêu, rộng lớn thế sao không ai giàu được. Cây lúa đã gắn cả đời với gia đình mình, sao không đem lại cuộc sống ấm no? Nghĩ vậy, Tư Thành lội bùn, phát lau sậy để khai khẩn đất hoang. Rồi nghe ai than chán ruộng, không muốn sống với cây lúa, Tư Thành lại nì nèo sang nhượng. Chẳng mấy chốc, Tư Thành đã có trong tay 60 mẫu lúa.
Tôi hỏi, ai cũng nói làm ruộng không lời thậm chí lỗ, còn anh? Tư Thành thủng thẳng: “Anh chẳng tính toán gì nhiều, chỉ biết phải làm nhiều diện tích mới giảm chi phí, mà giảm chi phí mới không lỗ và lãi. Mỗi năm, trừ hết chi phí giống, phân, thuốc, nhân công… còn dư 600 triệu đồng/vụ. Một năm được 1,2 tỷ đồng. Tiền thu được từ các dịch vụ khác như cày thuê, chà gạo… thêm 200 triệu đồng nữa là 1,4 tỷ đồng nữa. Cuộc sống thế cũng tạm em ạ”.
Đất nhỏ khó cơ giới hoá
Câu chuyện về tích tụ đất để làm giàu của Tư Thành kỳ thực không quá phức tạp như tôi nghĩ. Tư Thành nói, người dân ở vùng này thực sự chỉ sống vào mỗi cây lúa. Nhưng khi cây lúa không cho hiệu quả, họ chán ngay và muốn bán đứt luôn. Mà giá bán thì cũng rẻ bèo. Những năm 1990, chỉ cần 1 - 2 chỉ vàng là có thể mua được một vài mẫu đất.
"Mỗi năm, trừ hết chi phí giống, phân, thuốc, nhân công... còn dư 600 triệu đồng/vụ."
Tư Thành
“Thế, chính quyền không cấm việc mua bán, sang nhượng này à”- tôi hỏi. Tư Thành: “Thời đó thì ai cấm. Mà cấm làm gì, thứ nhất là tôi mua của những người không còn thiết tha với cây lúa, thứ hai tôi mua đất ruộng có phải để đầu cơ đâu. Tôi mua vẫn để trồng lúa cơ mà”.
Từ câu chuyện của mình, Tư Thành suy rộng ra: “Tôi thấy Nhà nước cứ giao hạn điền cho nông dân là không hợp lý. Thời buổi này, muốn làm ăn lớn thì phải tạo điều kiện cho bà con tích tụ. Có đất đai, chúng tôi mới có điều kiện cơ giới hoá sản xuất”.
Thấy tôi còn ngơ ngác, Tư Thành cười khà khà: “Thây kệ em ơi! Cả cuộc đời anh chỉ biết làm lúa và sống nhờ lúa. Em xem đi, cơ ngơi anh thế này, rồi đồ nhắm ai đến anh cũng mời như thế thì còn đòi hỏi gì nữa ở một lão nông như anh. Mà thôi, nói nhiều chuyện làm ăn rầu lắm. Em đến chơi nhà anh mà không uống hết chai này thì đừng đến ngồi với Tư Thành này nữa”. Lời của Tư Thành trong buổi chiều chạng vạng của miền biên giới lẫn với men rượu đế, quả thực có một cái gì đó thật lôi cuốn...
Hải Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.