Thưa ông, hiện nay trên toàn quốc còn bao nhiêu cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt?
- Trong hệ thống đường sắt quốc gia do Tổng công ty quản lý hiện có 9 cầu đi chung, bao gồm: Cầu Phố Lu (Bảo Thắng, Lào Cai), Bắc Giang (TP.Bắc Giang), Thị Cầu (bắc qua sông Cầu, nối hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang), cầu Lục Nam (Bắc Giang), Tam Bạc (Hải Phòng), Lộc Yên (Nghệ An), Đồng Nai lớn (còn gọi là cầu Ghềnh) và Đồng Nai nhỏ (ở Đồng Nai), cầu Long Đại (Quảng Bình). Ngoài ra, trong các tuyến đường sắt chuyên dùng vào các khu mỏ cũng có một số cây cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt.
Có phải Việt Nam là nước duy nhất còn có cầu chung giữa đường sắt và đường bộ?
- Đây là mô hình cầu phổ biến trên thế giới trước đây. Hiện các nước phát triển đã loại bỏ hoàn toàn các cây cầu loại này. Ở các nước kém phát triển, kinh tế khó khăn thì có thể vẫn còn. Ở nước ta, do điều kiện kinh tế, giao thông đặc thù trước đây nên đã xây dựng những cây cầu như vậy. Cầu chủ yếu là có từ thời Pháp thuộc. Hiện nay, các cầu mới không còn xây như vậy nữa.
Theo ông, làm thế nào để loại bỏ được những cây cầu đi chung này?
- Ngành đường sắt chỉ có nhiệm vụ vận hành và bảo vệ các cầu đi chung, còn việc xây dựng cầu đường bộ mới là việc của toàn ngành giao thông. Chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị và cảnh báo nguy cơ tai nạn trên các cầu đi chung này.
Khó khăn lớn nhất trong việc này là tìm nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Các địa phương nên chủ động lên phương án và tự tìm nguồn vốn hoặc xin Trung ương cấp vốn để khẩn trương xây dựng. Không nói ai cũng biết, nguy cơ tai nạn ở các cây cầu đi chung là rất cao. Hy vọng, sau vụ tai nạn rất đau lòng ở Đồng Nai, việc đầu tư xây dựng để loại bỏ các cây cầu đi chung được chú ý và triển khai sớm hơn.
Cảm ơn ông!
Hồ Thường (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.