Dịch bệnh, lũ lớn về nhanh sầm sập đe dọa lúa thu đông

Thuận Hải Thứ năm, ngày 20/07/2017 15:31 PM (GMT+7)
Trong khi tiêu thụ lúa gạo được dự báo có nhiều dấu hiệu sáng sủa thì nhà nông sản xuất lúa thu đông tại ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguy cơ dịch rầy nâu, vàng lùn – lùn xoắn lá đến dự báo lũ về sớm, mực nước dâng cao…
Bình luận 0

Ngành trồng trọt cũng đang rốt ráo “chạy đua” các giải pháp cho vụ lúa thu đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) tại các tỉnh ĐBSCL để thu được hiệu quả cao nhất.

Lo rầy nâu, dịch bệnh “phủ sóng”

Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh giá lúa gạo xuất khẩu có xu hướng tăng cao, nhu cầu từ các nước nhập khẩu được dự báo nhiều tín hiệu sáng sủa, vụ thu đông 2017 sẽ là dịp để nông dân ĐBSCL tranh thủ chớp thời cơ, tăng xuất khẩu, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, đây cũng là vụ lúa cuối cùng của năm 2017 để có thể bù đắp sản lượng hơn 296.600 tấn lúa sụt giảm trong vụ đông xuân hồi đầu năm nay.

img

  Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch vụ hè thu, chuẩn bị xuống giống vụ thu đông. Ảnh: T.H

Mặc dù vậy, ông Sơn cũng nhận định, sản xuất lúa thu đông năm nay tại ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dự báo lũ về sớm và nguy cơ dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL- LXL) lan rộng.

Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT), từ giữa vụ hè thu năm nay, dịch rầy nâu và bệnh VL-LXL đã tái bộc phát, diện tích nhiễm lúc cao điểm lên trên 8.000ha. Hiện tại, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đã có sự xuất hiện của bệnh VL-LXL trên các trà lúa hè thu và trên một số diện tích lúa thu đông đã xuống giống… Những yếu tố này đòi hỏi các diện tích lúa thu đông năm nay sẽ phải xuống giống né rầy.

Trước đó, Cục BVTV cũng đã tham mưu Bộ NNPTNT ban hành công văn nhằm tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL lá hại lúa ở các tình thành phía Nam. Tuy vậy, những vùng sản xuất vừa né rầy vừa né lũ sẽ rất khó để thống nhất lịch thời vụ xuống giống. Vì vậy, theo dự tính kế hoạch sản xuất diện tích lúa thu đông trong toàn vùng ĐBSCL năm nay chỉ có khả năng gieo trồng an toàn khoảng 810.000ha, giảm 14.000ha so năm 2016.

Các diện tích giảm sẽ không sản xuất lúa và cũng không sản xuất các cây trồng khác do đây sẽ là các vùng có nguy cơ ngập lũ, không an toàn. Những tỉnh giảm diện tích chủ yếu gồm các tỉnh nằm trong vùng ngập sâu như Đồng Tháp giảm 8.000ha, An Giang giảm 15.000ha, Long An giảm 13.000ha…

“Đối với các vùng sản xuất lúa thu đông an toàn, phải nằm trong vùng đê bao chống lũ an toàn so với mức lũ năm 2011, là năm có mức nước lũ cao ảnh hưởng đến lúa thu đông. Tới thời điểm hiện tại, toàn bộ các vùng nằm trong kế hoạch xuống giống vụ thu đông đều nằm trong vùng đê bao an toàn” - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định.

Cảnh giác với lũ sớm

Bên cạnh dịch rầu nâu, VL-LXL…,  dự báo lũ tại vùng ĐBSCL sẽ về sớm và có thể đạt đỉnh lũ cao cũng sẽ ảnh hưởng tới mùa vụ lúa thu đông năm nay.

img

Gia cố đê bao để bảo vệ hàng trăm ha lúa khi lũ lên. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa lũ 2017 ở thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3, với mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu từ 4 – 4.5m, trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt từ 3.5 – 4m.

Ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin, hiện tại, mực nước trên các sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL đang lên cao, mùa nước nổi đã bắt đầu với bà con nông dân các tỉnh biên giới khu vực ĐBSCL. Tới sáng 19.7, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 2,24m và dự báo tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Trong khi đó, tại trạm Châu Đốc (sông Hậu), mực nước cũng đã trên 2m.

Còn theo kết quả dự báo lũ nội đồng của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, mực nước lớn nhất mùa lũ 2017 xảy ra ở các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An. “Trong khi 2 năm qua, ĐBSCL gần như không có lũ về, những yếu tố dự báo đều có tác động bất lợi đến toàn bộ thời gian sản xuất lúa vụ thu đông năm nay” - ông Dũng nhận định.

Mặc dù diện tích lúa thu đông 2017 tại ĐBSCL có thể giảm nhẹ so với năm 2016 do dự báo có nhiều bất lợi, tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, nếu đạt diện tích theo kế hoạch và tổ chức chăm sóc tốt, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, thì sản lượng lúa thu đông 2017 sẽ vẫn đạt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so năm 2016. Như vậy cả năm 2017, vùng ĐBSCL vẫn có khả năng tăng 500.000 tấn so với năm 2016, bù đắp được sản lượng thiếu hụt của vụ đông xuân 2016 – 2017 trong toàn vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem