Dịch Covid-19 lần thứ 4: Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới, lo thất nghiệp gia tăng

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 01/10/2021 18:13 PM (GMT+7)
Hôm nay 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Dự báo kinh tế quí IV và triển vọng 2022".
Bình luận 0

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới

Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế, GDP quí 3 năm nay ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4: Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới, lo thất nghiệp gia tăng - Ảnh 1.

Hội thảo trực tuyến "Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022" diễn ra hôm nay 1/10. (Ảnh chụp màn hình Zoom)

Theo ông Võ Tân Thành, dịch Covid-19 bùng phát lần này làm cho số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới. "9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 85.500 doanh nghiệp nhưng có 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp" - ông Võ Tân Thành cho biết.

Riêng tại ĐBSCL, ông Võ Tân Thành cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng gần đây lên tới gần 90%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện "ba tại chỗ" cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC thì cho biết, sự bùng phát làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 làm cho xu hướng kinh tế đã đảo chiều hoàn toàn. Cụ thể, lần đầu tiên trong lịch sử suốt hai thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục thống kê công bố số liệu thống kê theo quí, tăng trưởng GDP của Việt Nam quí 3 ước tính âm 6,17% so với cùng kỳ.

"Tăng trưởng âm một vài % là điều có thể nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ đến. Riêng TP HCM và một số địa phương trung tâm của dịch bệnh có thể âm sâu tới hai con số, thậm chí xu hướng này vẫn tiếp tục nếu tình hình không được cải thiện" - ông Lộc nói.

Ông Lộc còn cho biết, có 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, tại 19 tỉnh, thành phía Nam, có 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Lo thất nghiệp gia tăng và câu chuyện phục hồi kinh tế trong quý 4

Chủ tịch VIAC cho biết, trong quý 3, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. Điều này có nghĩa, tình trạng thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người chỉ trong 1 quí và đằng sau 2,4 triệu lao động cũng chính là sinh kế bằng đó gia đình, báo động cho chính sách an sinh.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4: Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới, lo thất nghiệp gia tăng - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong quý 3, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước. (Ảnh: CTV)

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để phục hồi kinh tế trong quí 4 và năm 2022 thì Việt Nam phải mở cửa một cách bền vững, không thể quay lại giãn cách diện rộng như thời gian qua. "Nếu chúng ta quay lại, tức mở rồi lại đóng thì chẳng những không có phục hồi kinh tế mà còn dẫn tới đổ vỡ kinh tế trong năm 2022" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu Việt Nam mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, có thể đến giữa tháng 10, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất. Do đó, có thể dự báo tăng trưởng của quí 4 có thể tăng 3,5% so với quí trước, cả năm 2021 có khả năng tăng trưởng được 2,1%.

"Nếu mở cửa ngập ngừng thì quí 4 tăng trưởng thấp hơn 2%, kéo theo cả năm chỉ tăng trưởng được 1%. Nếu không mở cửa được, tức quí 4 không tăng trưởng, đương nhiên năm 2021 sẽ âm" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành gợi ý, khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại thì không yêu cầu phải thực hiện 3 tại chỗ bởi nó không thể mở cửa lại bền vững được. Để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, một điểm lưu ý nữa, đó là phải khởi động lại các dự án đầu tư công bị ngưng trệ thời gian qua ở các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem