Lần đầu tiên, giải "Ngôn từ - sợi dây gắn kết" được trao cho một dịch giả nước ngoài. Tác phẩm "Olga Berggoltz của tôi" của nhà thơ - dịch giả Nguyễn Thụy Anh được đề cử bởi nhà văn Nga Albert Likhanov - tác giả cuốn "Ông tướng của tôi" và được hội đồng giám khảo nhất trí tặng giải vì "đóng góp to lớn trong việc củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nga - Việt".
Chủ tịch hội đồng xét giải "Ngôn từ - sợi dây gắn kết" trao chứng nhận Giải thưởng cho dịch giả Nguyễn Thụy Anh. Ảnh: Lê Hằng.
Từng sống và học tập 17 năm tại nước Nga nên có thể nói đối với Thụy Anh, văn học Nga nói chung và những vần thơ của nữ thi sĩ tài hoa Olga Berggoltz đã ngấm vào tâm hồn và thi cảm của chị. Và nữ dịch giả đã dành 10 năm lần mở lại từng trang cuộc đời của Olga Berggoltz để cho ra đời "Olga Berggoltz của tôi" (NXB Trẻ, 2010). Cuốn sách xuất bản tại Hà Nội nhân 100 năm ngày sinh của nữ nhà thơ Nga. Đặc biệt, cuốn sách này không chỉ có những bản dịch thơ mà còn bao chứa trong đó những tư liệu qua góc nhìn riêng của Nguyễn Thụy Anh khiến người đọc hình dung được rõ nét hơn chân dung văn học của nữ nhà thơ Nga. "Olga Berggoltz của tôi" ngay khi ra mắt đã được độc giả yêu văn học Nga ở Việt Nam đón nhận tích cực.
Ngay từ khi mới ra mắt năm 2010 vào dịp 100 năm kỷ niệm ngày sinh của nữ sĩ Nga, cuốn sách "Olga Berggoltz của tôi" (NXB Trẻ) đã được đón nhận nồng nhiệt và được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng dịch thuật năm 2011.
Đây cũng là lần thứ hai nhà thơ - dịch giả Nguyễn Thụy Anh được trao giải thưởng dịch thuật của các tổ chức văn hoá Nga. Trước đó, cuối năm 2017, Quỹ thiếu nhi Nga đã trao giải cho cuốn sách Olga Berggoltz và những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và chăm sóc trẻ em của chị ở Đại hội những người tình nguyện hoạt động vì trẻ thơ.
Giải thưởng “Ngôn từ - sợi dây gắn kết” do Hội Nhà văn Nga và Quỹ Văn học "Con đường cuộc sống" thành phố St. Petersburg sáng lập từ năm 2015, được trao cho các tác phẩm dịch văn học Nga và nước ngoài, nhằm tôn vinh lĩnh vực sáng tạo này cũng như phát hiện những tài năng dịch mới và cổ vũ những người tích cực quảng bá văn học Nga ở nước ngoài. Mục đích chủ yếu của Giải thưởng là thúc đẩy sự giao lưu văn hoá, củng cố các mối quan hệ văn hóa và ngôn ngữ, tìm ra các tác giả có khả năng tái hiện tác phẩm nguyên bản ở một trình độ nghệ thuật cao và chuyên nghiệp bằng ngôn ngữ mình chọn dịch.
Nhà văn Albert Likhanov trao giải thưởng của Quỹ trẻ em Nga cho dịch giả Nguyễn Thuỵ Anh và cổ vũ những hoạt động văn hoá xã hội vì trẻ em của chị tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ. Ảnh: Mai Hồng
Theo nhà văn Igor Smolkin - Chủ tịch hội đồng xét giải, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Thụy Anh là một trong những "đại sứ" văn hoá giữa hai nước Việt Nam và Nga thế hệ trẻ. Trong khi đó, dịch giả Nguyễn Thụy Anh lại cho rằng, ngoài chị ra còn rất nhiều dịch giả trẻ khác đang miệt mài làm việc đầy tâm huyết như Ngô Tự Lập, Quỳnh Hương...
Dịch giả - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh tốt nghiệp trường Đại học sư phạm quốc gia Matxcơva mang tên Lenin và có nhiều năm sống ở Nga. Chị là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tiến sĩ giáo dục, người sáng lập kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" hoạt động tại Hà Nội.
Trong niềm vui nhận được giải thưởng, dịch giả Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ lại trên trang cá nhân của mình bản dịch một bài thơ của Olga Berggoltz. Dân Việt xin trân trọng gửi tới bạn đọc bản dịch bài thơ “Ru anh” của tác giả Nga sang thể lục bát quen thuộc của Việt Nam:
RU ANH (Olga Berggoltz)
Rặng thông nhè nhẹ chao nghiêng
Cột buồm cao vút gợi miền xa xăm
Nhón chân lặng lẽ ghé thăm
Mắt nhìn ngơ ngác âm thầm lời ru
Đầm chân tuyết trắng như mơ
Áo lông rực rỡ khoác bờ vai xinh
Ủng rơm ấm những bước tình
Dỏng tai nghe hết lời mình lời ta
Thoảng nghe tuyết nói thiết tha
Thoảng nghe tim hát diết da u sầu
Lang thang vô định rừng sâu
Ngọn thông phơ phất thẫm màu buồm đen
Tay đưa về chốn không tên
Bàn tay xinh xắn ủ mềm trong găng
Găng len nào sợ giá băng
Bài ca đi mãi mơ màng yêu thương
Nhà tôi – là chốn chân dừng
Phòng tôi câu hát ngập ngừng ghé chơi
Hỡi người to lớn kia ơi
Muốn chăng tôi hát ru người một đêm
Hỡi người xa lạ không quen
Muốn chăng tôi hát một đêm vì người
À ơi, câu hát à ơi
À ơi câu hát trùng khơi ơi à
Bước vào phòng – một bài ca
Dịu dàng, lễ phép rất là dễ thương
Như con thú nhỏ nhịn nhường
Vẫy tai, tay chạm xuống giường ru anh
Thở phào ngủ một giấc xanh
Tay em thiếp ngủ ngọt lành người ơi
Chẳng còn ác mộng trong đời
Chẳng cần nói nữa những lời phôi pha
Chỉ nghe tuyết nói thiết tha
Chỉ nghe tim hát diết da u sầu...
(Thụy Anh dịch)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.