Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra công tác thiêu hủy lợn mắc bệnh (Ảnh: langson.gov)
Ngày 15/3, Lạng Sơn công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại thôn Nà Lùng, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình. Như vậy, Lạng Sơn là tỉnh thứ 17 trên cả nước xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi công bố dịch, các ngành địa phương cũng đã nhanh chóng lập các chốt trạm kiểm dịch, phun khử trùng. Chính quyền địa phương cùng người dân cùng gồng mình chống dịch. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đều đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Việc dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp tại tất cả các huyện, thành phố của tỉnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một số đối tượng lén lút vận chuyển lợn giống, lợn thịt từ vùng có dịch, khiến tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh hơn.
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn cũng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển lén lút lợn giống, lợn thịt vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Điều quan ngại là số lợn này sau khi lấy mẫu kiểm tra đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Người chăn nuôi lợn đang rất lo lắng khi dich tả lây lan nhanh chóng mặt và diễn biến phức tạp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, một số ổ dịch tại các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng và TP.Lạng Sơn xảy ra là do lây bệnh từ số lợn giống, lợn thịt vận chuyển từ nơi khác đến bán cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Điển hình như ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Việt Yên, huyện Văn Quan phát sinh vì các hộ dân mua lợn giống (21 con) do thương lái vận chuyển từ tỉnh khác đến. Thời điểm mua và nhập chuồng là ngày 8/4, đến ngày 24/4, toàn bộ 21 con lợn con giống phát bệnh và qua lấy mẫu kiểm tra đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến giữa tháng 5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 11/11 huyện và thành phố của tỉnh Lạng Sơn, với 350 thôn, thuộc hơn 93 xã, phường, thị trấn. Cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy hơn 12.300 con lợn.
Trước thực tế này, nhằm kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác vào tỉnh, ngày 10/5, UBND tỉnh Lạng Sơn thành lập thêm 4 chốt kiểm dịch trên quốc lộ 3B và 4A huyện Tràng Định.
Lạng Sơn lập thêm nhiều chốt trạm kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương. (Ảnh baolangson)
Như vậy, ngoài Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng, trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 12 chốt kiểm dịch. Các chốt kiểm dịch đều nằm trên các tuyến đường trọng điểm.
Ngoài kiểm soát chặt tại các chốt kiểm dịch, để ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, đồng thời có thể sớm khống chế được dịch, lực lượng thú y tại các huyện, thành phố cũng chủ động kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn tại các chợ, ra vào địa bàn các xã. Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh nhằm giúp các cơ quan chức năng phát hiện mầm mống, nguy cơ dịch bệnh để xử lý kịp thời.
Đồng thời tại các tuyến biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường và đặc biệt các huyện, xã biên giới tăng cường kiểm tra chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở và những mặt hàng nhập lậu qua biên giới.
Đối với nội tạng động vật và các sản phẩm từ động vật, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, tổ chức bắt giữ ngay tại biên giới, không để lọt vào trong nội địa nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn thuộc 5/11 huyện, thành phố với đường biên giới dài trên 231km tiếp giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cùng các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu tiểu ngạch thường xuyên có hoạt động vận chuyển hàng hóa giao thương và du lịch giữa hai nước.
Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều đường mòn, lối mở, thường xuyên có cư dân biên giới đi lại, trao đổi hàng hóa hàng ngày.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.